Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sách Công nghệ Giáo dục: Chớ vội chê bai!

Thứ ba, 11/09/2018 - 06:35

(Thanh tra)- Cách đánh vần "lạ" theo sách công nghệ giáo dục (CNGD) đang gây "bão" dư luận, bàn về vấn đề này, chuyên gia ngôn ngữ cũng như giáo viên, phụ huynh cho rằng mỗi phương pháp đều có ưu thế và hạn chế riêng và đều nhằm mục tiêu để học trò đọc được. Do vậy, chúng ta chớ vội vàng chê bai!

Bộ sách CNGD đang gây “bão” dư luận. Ảnh: HH

Mục đích cuối cùng là... biết đọc

Chị Hải Vân (Thanh Trì, Hà Nội) có 2 con đang học theo chương trình của sách CNGD cho biết, phương pháp tập đánh vần của sách CNGD rất ổn, xong học kỳ 1 cơ bản các cháu biết đọc, biết viết. Cái mà ngày xưa có khi các bạn học sinh phải đến lớp 2, lớp 3 mới đọc, viết đúng được. "Cách đây hơn 20 năm, cô bạn ở gần nhà tôi cũng học kiểu như thế này, lúc đầu thấy lạ vì bạn cứ nhìn ô mà đọc, nhưng sau mới hiểu là mỗi ô là một tiếng, và cách tách để đọc các tiếng rồi các vần rất nhanh biết đọc" - chị Vân chia sẻ.

Chung quan điểm, chị Nguyễn Tâm (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: Con mình đã qua lớp 1 và mình thấy cách tập đọc theo cách của CNGD rất khoa học. Nhìn lại thì học hình hay học chữ cũng là phương pháp. Mục đích cuối cùng là để biết đọc.

Bản thân là giáo viên, chị Tâm cho biết, những giáo viên đã được tập huấn rồi thì thấy rất tốt. Còn phụ huynh họ không được tập huấn, chưa nghiên cứu hoặc nghiên cứu sách rồi, nhưng thấy lạ và họ không đủ tự tin để hướng dẫn con học, dẫn đến hoang mang và khó chịu khi so với phương pháp học đánh vần truyền thống mà họ đã quen và chấp nhận nó. Đặc biệt là mười mấy trang đầu. Một số từ rất khó giải thích mà mình phải đưa ra quy ước ngầm. Ví dụ: cái gì # dì của tôi. Cả 2 đều đọc là dì....

Bàn về vấn đề đang thu hút sự quan tâm của xã hội, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, có nhiều cách để dạy một người biết đọc biết viết. Thực ra, ở nhà bố mẹ cũng có thể dạy con đọc, viết được. Có điều dạy bằng phương pháp thế nào, có đúng hay không mà thôi. Mỗi cách dạy đều có ưu và nhược điểm riêng. Do vậy, chúng ta chớ vội vàng chê bai. Dù dạy cách nào cũng đều hướng đến mục đích để học trò đọc được, viết được.

Để hướng dẫn học sinh phân biệt “cái cuốc”, “tổ quốc”, “cính yêu” hay “kính yêu”, “ngi ngờ” hay “nghi ngờ”, “kiểm kê” hay “ciểm cê”, cái gì khác dì của tôi... PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, chính tả và chính âm tiếng Việt vẫn đang tồn tại những cái bất hợp lí. Có những cái do sự khác biệt về xuất xứ (cuốc là từ thuần Việt, quốc là từ Hán Việt (= nước), còn các trường hợp khác, hoặc do quy ước (cùng âm vị [k] nhưng viết khác: cái cuốc, kể chuyện, quả quyết...). Người ta phải làm quen và chấp nhận cách viết đó như "một phần tất yếu của mỗi ngôn ngữ tự nhiên" (tiếng Pháp, tiếng Nga và nhất là tiếng Anh đều có những sự "vênh" giữa chính âm và chính tả).

Nhiều câu chuyện trong sách CNGD còn được cho là có nội dung không phù hợp khi đưa vào dạy cho học sinh. Ảnh: HH

Có nội dung chưa phù hợp?

Không chỉ gây "bão" bởi cách đánh vần lạ, nhiều câu chuyện trong sách CNGD còn được cho là có nội dung không phù hợp.

Điển hình như trong bài "Vẽ gì khó" có nội dung: "Họa sĩ Hoành vẽ ở đâu, các bạn nhỏ vây quanh ở đấy.

Bác à, vẽ gì khó ạ? 

Vẽ chó, vẽ trâu khó.

Vẽ gì dễ ạ? 

Vẽ ma quỷ.

Sao lại thế ạ? 

Chó, trâu quanh năm ngày tháng ai chẳng thấy, vẽ sai bị chê ngay. Ma quỷ đã ai thấy bao giờ, thích thế nào thì vẽ thế ấy, ai dám hoạch họe".

Hay câu chuyện "Quả bứa" kể câu chuyện: “Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử. Cậu Cả bổ quả bứa và phán: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi".

Cho rằng nội dung đưa vào giảng dạy cho trẻ là chưa phù hợp, một giáo viên dạy Văn ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ: Nội dung câu chuyện không có tính giáo dục. Mày - tao trong bài “Quả bứa” lời văn thiếu sự tinh tế, chọn lọc. Còn bài “Vẽ gì khó”, câu trả lời của họa sĩ người lớn cộc lốc, thiếu thành phần chính. Thứ 2 là ví dụ về ma quỷ gây hoang mang tâm lí trẻ thơ. Vậy là kiến thức giáo dục vô tình thừa nhận có ma quỷ thật hay sao?

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Tâm cho rằng, trẻ con chưa cần quan tâm nhiều đến nội dung, vì nó cũng không nhớ hết được, mà quan trọng lớp 1 là biết đọc, viết.

Điều khiến chị Tâm lo lắng là con chị rất tinh ý, đọc mà thấy từ khác là hỏi nghĩa của từ. Nhiều lúc chị thấy mình không đủ vốn để truyền tải cho con. Ví dụ con chị hỏi: “Mẹ ơi con đọc truyện là "Cóc kiện trời mà răng ở đây là cóc kiện giời"? rồi ““lớ quớ”, “gà qué” là gì hả mẹ”?...

Hiện, sách CNGD đã được chọn để giảng dạy cho 800 nghìn học sinh ở 50 tỉnh, thành trên cả nước. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, bộ đã hướng dẫn các sở triển khai sách CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm