Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lãnh đạo các trường đại học "hiến kế" gì để gỡ rối xét tuyển sinh

Thứ bảy, 22/08/2015 - 14:45

Rút ngắn thời gian xét tuyển, được đăng ký nguyện vọng ở nhiều trường thay vì bốn nguyện vọng trong một trường, đăng ký xét tuyển trực tuyến, trả việc xét tuyển cho các trường chủ động… Đó là những giải pháp được lãnh đạo các trường đưa ra để tháo gỡ những bất cập của mùa xét tuyển đại học năm nay.

Thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ tại Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: Lê Doãn Đức/Vietnam+)

Chỉ nên xét tuyển một tuần

Cho rằng thời gian 20 ngày để xét tuyển là quá dài, lãnh đạo các trường đại học cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên để từ một tuần đến 10 ngày.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí, trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, trong 20 ngày, những ngày đầu cán bộ tuyển sinh ngồi chơi, trong khi những ngày cuối làm việc không ngơi tay. 

Cùng ý kiến này, ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Hà Nội cho rằng, nếu tính thêm cả thời gian chuẩn bị trước khi bắt đầu nhận hồ sơ và việc kiểm dò thông tin sau khi kết thúc thì trường phải mất một tháng chỉ để xét tuyển đại học hệ chính quy. Trong khi đó, một trường đại học có nhiều hệ đào tạo và nhiều việc phải làm.

Các thí sinh cũng cho rằng 20 ngày là quá dài và mệt mỏi. “Em nghĩ chỉ nên kéo dài khoảng một tuần, đến 20 ngày là không cần thiết,” em Nguyễn Quốc Huy (Phú Thọ) nói.

Tận dụng triệt để công nghệ thông tin

Việc phải đến tận trường rút, nộp hồ sơ xét tuyển đã gây phiền hà cho thí sinh, phụ huynh. 

Đến giữa đợt xét tuyển, Bộ có đưa ra quy định thí sinh có thể đăng ký trực tuyến tại các sở giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, do quy định không đưa ra từ đầu nên nhiều thí sinh, phụ huynh không nắm được. Mặt khác, tâm lý thí sinh và phụ huynh cảm thấy không yên tâm, nhất là khi ở một số địa phương, cán bộ phụ trách không được tập huấn kỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Long, trong năm tới, Bộ hoàn toàn có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách nâng cấp hệ thống phần mềm, hệ thống đường truyền internet để thí sinh đăng ký trực tuyến.

Nếu đăng ký trực tuyến, thí sinh sẽ bớt vất vả hơn. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

“Năm tới, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không làm thì trường tôi cũng sẽ thực hiện theo giải pháp này để thí sinh và phụ huynh đỡ vất vả,” ông Long nói.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể triển khai tuyển sinh trực tuyến khi có một năm nữa để chuẩn bị cơ sở kỹ thuật hạ tầng.

“Mỗi thí sinh có một tài khoản thông minh, không chỉ để xem điểm, dữ liệu, mà còn có thể đăng ký dự tuyển được vào nhiều trường. Với thí sinh vùng sâu vùng xa, các trường trung học phổ thông có thể hỗ trợ các em, nhất là khi thời gian xét tuyển rút ngắn lại,” ông Điền phân tích.

“Nhưng cần đặt quy định chỉ đăng ký trực tuyến, nếu không, thí sinh và phụ huynh vẫn không yên tâm và vẫn kéo đến các trường,” ông Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nói.

Cho thí sinh đăng ký nguyện vọng khác trường

Cũng theo ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Hà Nội, việc Bộ cho phép thí sinh đăng ký tới bốn nguyện vọng nhưng chỉ trong một trường là một điểm bất hợp lý, mẫu thuẫn với chủ trương định hướng nghề nghiệp.

“Chúng ta đang đẩy mạnh hướng nghiệp, nghĩa là thí sinh nên xác định ngành nghề định theo đuổi trước khi đăng ký học đại học. Tuy nhiên, Bộ lại cho thí sinh đăng ký bốn ngành trong một trường. Tôi cho rằng nên được đăng ký nhiều trường để những em đã có định hướng nghề nghiệp có thể đăng ký một ngành em yêu thích nhưng ở nhiều trường,” ông Hạnh nói.

Cùng ý kiến này, ông Lê Hữu Lập phân tích thêm: “Khi thí sinh đăng ký, các em có thể chọn ưu tiên trường xét trước, hoặc các trường chủ động xét. Khi một trường đã chọn thí sinh đó thì phần mềm sẽ kh​óa thông tin thí sinh lại, vì thế cũng không xảy ra tình trạng ảo.”

Ông Lập cho rằng, điều này vừa giúp các em giữ vững định hướng nghề nghiệp, điều đang rất yếu ở học sinh hiện nay, vừa hạn chế hơn tình trạng thí sinh phải rút ra, nộp vào vì các em có thể chọn các nhóm trường với các mức điểm khác nhau trong một lần đăng ký. 

Nên để các trường tự tuyển sinh

Cũng theo ông Lập, việc Bộ quản lý dữ liệu điểm chung là cần thiết. Năm nay, việc thí sinh được đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm là một lợi thế giúp các em có cơ sở để quyết định chọn trường. Vì thế, nếu cho các em được đăng ký nguyện vọng vào nhiều trường thì không nên quy định được rút hồ sơ.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, Bộ chỉ nên đưa ra hai tiêu chí là chỉ tiêu và điểm sàn, trả việc xét tuyển lại cho các trường. Các trường tự lên phương án tuyển sinh, tất nhiên phương án đó phải được Bộ chấp nhận. Khi thí sinh đã trúng tuyển vào một trường thì dữ liệu thí sinh sẽ bị kh​óa, vì thế cũng không lo thí sinh ảo,” ông Lập nói./.

Theo Phạm Mai/Vietnam+

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm