Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Kiến nghị thanh tra toàn diện việc sử dụng khoản “chiết khấu” sách giáo khoa

Hương Giang

Thứ sáu, 06/10/2023 - 17:56

(Thanh tra) - Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Đoàn giám sát còn đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: VNN

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi các vị đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Giá sách giáo khoa mới “đắt”, mức chiết khấu đến 35%

Tại báo cáo này, đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hai nghị quyết trên.

“Đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”, đoàn giám sát nhận định.

Từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản; 194 triệu bản sách giáo khoa mới được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành.

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra, giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn từ 2-4 lần so với bộ sách cũ.

“Dù có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần”, theo đoàn giám sát.

Cạnh đó, là tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách. Tình trạng sách lậu, SGK giả diễn ra phức tạp…

Đoàn giám sát cũng lưu ý, chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.

Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%.

Năm học 2022-2023, chiết khấu với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Đề nghị thanh tra việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Đánh giá về trách nhiệm, đoàn giám sát nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế trong việc tổng kết thực tiễn, rà soát thực trạng, đánh giá tác động của những chính sách mới trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bộ này cũng chịu trách nhiệm về việc không tổ chức được việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực thuộc sự quản lý của Bộ chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, còn để xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật, chi phí phát hành (chiết khấu) cao, giá sách giáo khoa khá cao”, theo báo cáo.

Trong phần kiến nghị, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc.

Xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan về việc không tổ chức thực hiện được nội dung “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” của Nghị quyết số 88; về việc để xảy ra sai sót đối với môn Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng là nội dung đoàn giám sát kiến nghị.

Đoàn còn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương tiếp tục thực hiện quy định của Nghị quyết số 88 về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Đồng thời nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả; cơ chế xã hội hóa in, phát hành sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả…

Làm rõ trách nhiệm, xử nghiêm vi phạm

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đoàn giám sát đề nghị tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ cũng phải phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

Gắn với đó là sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó, có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm