Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 14/08/2023 - 20:47
(Thanh tra) - Lưu ý không thể nhận xét sách giáo khoa chỉ là “học liệu đơn thuần”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88 của Quốc hội, tức là biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý không thể nhận xét sách giáo khoa chỉ là “học liệu đơn thuần”. Ảnh: P.Thắng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, chiều ngày 14/8.
Không có bộ sách giáo khoa của Nhà nước đặt ra vấn đề gì?
Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát kiến nghị, “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”.
Với kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị “hết sức cân nhắc”. Bởi theo ông, việc này, không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà hệ trọng hơn có thể tác động tới tinh thần đổi mới về mặt phương pháp.
Cho rằng sách giáo khoa là “học liệu”, ông Sơn nói, trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình giáo dục phổ thông với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào.
“Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói việc chưa ban hành được một bộ sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước theo quy định Nghị quyết 88, Quốc hội đã xem xét nguyên nhân, lý do về việc chậm trễ.
Khi giám sát về nội dung này, ông Tùng cho rằng cần cân nhắc. “Thay vì đánh giá Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành được, chưa xây dựng bộ sách, nên phân tích hạn chế không có bộ sách giáo khoa của Nhà nước sẽ đặt ra vấn đề gì, cái gì đang vướng mắc”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.
Ông Tùng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, qua những bất cập nảy sinh trong việc biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, có nhiều cách để giải quyết, không phải chỉ có một giải pháp là biên soạn một bộ sách của Nhà nước.
Không thể nhận xét sách giáo khoa chỉ là “học liệu đơn thuần”
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn Giám sát) nhấn mạnh, Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất 1 bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước.
“Chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh, nhưng chương trình chỉ quy định khung kiến thức. Còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa”, ông Vinh nói.
Vì vậy, theo ông Vinh, nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt thì chỉ thẩm định được nội dung có phù hợp hay không. Nhưng trách nhiệm của Nhà nước trong xây dựng và phát triển nội dung đó thì thực hiện được không, nếu với cách biên soạn sách giáo khoa như thế này.
“Chúng tôi đề nghị Quốc hội thảo luận, xem xét về nội dung kiến thức giáo dục phổ thông. Liệu chúng ta có thể hiện vai trò của Nhà nước trong tổ chức biên soạn nội dung hay không hoặc chuẩn bị nội dung không”, ông Vinh nêu.
Ông Vinh nhấn mạnh, đoàn giám sát đã đưa ra một phương án rất mở, tức là chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa. Tức là, Chính phủ có thể chỉ đạo biên soạn nội dung hoặc có thể được tặng bản quyền hoặc bằng rất nhiều hình thức khác để “nắm được nội dung của một bộ sách”.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng, nhưng phải thống nhất hiểu Nghị quyết 88.
Theo ông Vương Đình Huệ, sách giáo khoa là thể chế hóa cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông, không thể nhận xét sách giáo khoa chỉ là “học liệu đơn thuần”.
Dẫn lại Nghị quyết 88 nêu Bộ Giáo dục và Đào tạo “phải” tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, Nghị quyết 122 không phủ nhận và không thay thế Nghị quyết 88.
“Làm gì có nghị quyết nào nói không thực hiện chủ trương của Nghị quyết 88, không có văn bản nào hết”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội nói, ông được biết có ý kiến đề xuất là bỏ ra mấy trăm tỷ, mấy nghìn tỷ để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện cho học sinh miền núi, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng.
“So về số tiền, chúng ta bỏ ra để biên soạn một bộ sách giáo khoa là bao nhiêu, phương án nào có ưu thế hơn”, ông Vương Đình Huệ nêu và nhận xét “cũng may chủ trương đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm”
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88 của Quốc hội, tức là biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
“Trong quá trình thực hiện, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy cần điều chỉnh lại Nghị quyết 88 thì báo cáo lại Quốc hội việc này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền”, ông Vương Đình Huệ nói.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương