Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Không có thí sinh nào vì khó khăn mà phải bỏ thi tốt nghiệp THPT 2023

Phương Hiếu

Thứ năm, 29/06/2023 - 21:11

(Thanh tra) - Cuối giờ chiều ngày 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục A03, Bộ Công an.

Họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: LP

Thông tin về kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã hoàn tất.

Ông Thưởng cho biết, kỳ thi diễn ra trên quy mô toàn quốc, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.024.063, trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160 (chiếm 94,42%); số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104 (chiếm 5,58%); tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769 (chiếm 4,66%); tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155 (chiếm 3,33%); tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187 (chiếm 31,52%); tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921 (chiếm 55,30%).

Tổng số điểm thi là 2.272; tổng số phòng thi là 43.032. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Tổng số thí sinh dự thi là 1.012.398 (đạt 98,86%), trong đó, môn Ngữ văn chiếm 99,65 %; Toán: 99,63%; Khoa học Tự nhiên: 99,72%; Khoa học Xã hội: 99,62% ; Ngoại ngữ: 99,61%.

Sau 2 ngày thi, có 41 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi (Ngữ văn 12 thí sinh, Toán 4 thí sinh; Khoa học Tự nhiên 11 thí sinh; Khoa học Xã hội 11 thí sinh; Ngoại ngữ 3 thí sinh. Trong số đó có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Có 6 cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…) 40 trường hợp. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: LP

Tại cuộc họp báo, thông tin về sự việc trong buổi thi môn Ngữ văn sáng ngày 28/6 và môn Toán chiều cùng ngày, có sự việc đề thi bị chụp ảnh và gửi qua mạng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin trên, Ban Chỉ đạo kỳ thi của Bộ GDĐT đã chủ động phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) của Bộ Công an, các ban chỉ đạo cấp tỉnh liên quan xác minh làm rõ sự việc. Theo đó, 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí

“2 thí sinh này đã bị đình chỉ thi ở buổi thi sáng ngày 29/6, đồng thời tạm dừng nhiệm vụ coi thi đối với các cán bộ liên quan. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức kỳ thi”, ông Chương nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao có nhiều cuộc tập huấn về chống gian lận công nghệ cao nhưng kì thi năm nay vẫn để lọt đề thi, ông Chương cho biết, việc lọt đề thi thì vẫn có những vấn đề cá biệt, Bộ GDĐT cầu thị và lắng nghe để cải tiến về chống gian lận trong kì thi. Hiện, Bộ Công an tiếp tục điều tra rồi sẽ xử lý đúng theo quy định.

Cũng theo ông Chương, sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GDĐT sẽ sớm công bố đáp án các môn thi. Các địa phương chuẩn bị bước sang công đoạn chấm thi để công bố kết quả thi cho thí sinh. “Có thể nói, kỳ thi kết thúc nghiêm túc, đúng quy chế, không có thí sinh nào vì khó khăn mà phải bỏ thi”, ông Chương cho biết.

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục A03 phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: LP

Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, trong kỳ thi, khi có thông tin về hiện tượng lọt đề thi, Bộ Công an, trực tiếp là A03 đã khẩn trương xác minh và tìm ra các thí sinh thực hiện hành vi dùng điện thoại chụp đề thi gửi ra ngoài. ”Hiện A03 vẫn đang tiếp tục xem xét có tình trạng giải đề thi ở bên ngoài gửi vào hay không. Nhưng ở thời điểm hiện tại chưa phát hiện việc này", ông Chung cho biết.

Cũng theo ông Chung, trong tương lai, việc những đối tượng gian lận sử dụng thiết bị công nghệ cao chắc chắn vẫn có. Trước kỳ thi này, Bộ Công an đã phá hai vụ án liên quan tới mua bán thiết bị công nghệ cao sử dụng vào việc gian lận thi cử và sẽ tiếp tục phối hợp nhằm ngăn chặn. Việc này cần đẩy cao tuyên truyền để cảnh báo, răn đe. Đồng thời nên nghiên cứu phương án chủ động phát hiện thiết bị công nghệ cao trong các kỳ thi.

Liên quan đến đề thi, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), Trưởng Ban Đề thi cho biết, đề thi năm nay giữ ổn định. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa. Năm nay, lần đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện quy trình có kiểm soát bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp.

Đề thi Ngữ văn có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu cơ bản ngữ liệu sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao. Với phần Đọc hiểu, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với phần làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định. Đây cũng là lý do các đề thi có thể có sự trùng lặp. Tuy đề ra cùng 1 tác phẩm, nhưng điều quan trọng nhất là lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: LP

Ông Hà cũng cho biết, có sử dụng phần mềm để quét, rà soát dữ liệu để tránh đề bị trùng lặp. Đối với trường hợp đề thi vào lớp 10 Hà Nội, kỳ thi diễn ra sau khi hội đồng đề làm việc nên hội đồng không có thông tin. Khi được biết, hội đồng đã họp và thấy rằng đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi cũng khác nhau.

Với ý kiến về trùng lặp với đề thi ở Nghệ An, theo ông Hà điều này bình thường với phần làm văn. Có tổng cộng 17 tác phẩm trong chương trình trong đó có 2 tác phẩm không thuộc nội dung ra đề. “Do đó, nội dung đề thi không thể ra khác ngoài 15 tác phẩm trong khi 63 tỉnh, thành phố đều có 2 - 3 lần thi thử, dữ liệu trùng lặp khó tránh khỏi. Tuy nhiên, kể cả đề thi thử của Hà Nội cũng có ngữ liệu và lệnh hỏi khác nhau”, ông Hà nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm