Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giảm “lượng”, tăng “chất”

Thứ ba, 23/07/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố điểm sàn nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe. Theo đó, điểm sàn sư phạm từ 14-18; sức khỏe từ 18-21 điểm. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, mức điểm sàn tương đối cao, khiến công tác tuyển sinh của các trường này có thể gặp khó khăn. Tuy nhiên, phải chấp nhận giảm "lượng" để tăng "chất".

Giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội tư vấn cho thí sinh chọn ngành, chọn trường tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2019. Ảnh: HH

Chỉ tiêu ít, điểm chuẩn sẽ tăng

Theo con số thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019 cả nước có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng với hơn 2,5 triệu nguyện vọng. 2 khối ngành có chỉ tiêu ít nhất là sư phạm và sức khỏe. Cụ thể, khối ngành sức khỏe 34.352 chỉ tiêu, nguyện vọng đăng ký 199.573, tỉ lệ chọi cao 5,8/1; khối khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, tổng chỉ tiêu hơn 46.000, nguyện vọng đăng ký hơn 118.000.

Năm nay, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) dành gần 600 chỉ tiêu xét tuyển thí sinh vào học các ngành học của nhà trường. Trong đó, nhóm ngành đào tạo giáo viên gồm 5 mã ngành nhưng chỉ có 320 chỉ tiêu. Ngành Sư phạm Toán và Sư phạm Văn nhiều nhất là 65 chỉ tiêu, ngành ít nhất 25 chỉ tiêu; Sư phạm Lịch sử 30 chỉ tiêu.

Cô Thúy Anh - Phòng Công tác Chính trị học sinh sinh viên của ĐH Giáo dục cho biết, để đáp ứng chương trình dạy học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trường mở thêm khoa Sư phạm Khoa học tự nhiên, dạy tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học nhưng chỉ tiêu cũng chỉ 25.

Năm 2019, điểm sàn xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên là 18; trong khi điểm sàn nhóm ngành quản trị là 16. Năm ngoái, điểm chuẩn Sư phạm Sử và Ngữ Văn cao nhất trong các ngành là 20,25; các ngành sư phạm còn lại 18, ngành quản trị là 16. Nói về mức điểm chuẩn năm nay, đại diện Trường ĐH Giáo dục cho biết, với phổ điểm như Bộ GD&ĐT công bố, dự kiến điểm chuẩn sẽ nhích hơn một chút, nhưng không nhiều.

Tại một trường sư phạm khác là ĐH Sư phạm Kỹ Thuật Hưng Yên, thầy Hoàng Hải Hưng - Phụ trách Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết, trường có duy nhất 1 ngành đào tạo giáo viên là Sư phạm Công nghệ, tính toán theo nhu cầu thị trường lao động, nhà trường chỉ dành 20 chỉ tiêu để xét tuyển ngành này. Mức điểm sàn xét tuyển là 18. Điểm chuẩn dự kiến vào ngành này có thể cao hơn 1 chút là 18,5 hoặc bằng điểm sàn.

Không chỉ khối đào tạo giáo viên, khối ngành đào tạo sức khỏe năm đầu tiên có điểm sàn nhưng mức cũng khá cao từ 18-21. Năm 2019 - năm thứ 4 ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam tổ chức tuyển sinh 296 chỉ tiêu với 5 ngành học. Trong đó, ngành Dụng cụ chỉnh hình chân tay giả là ngành đầu tiên tại Việt Nam đào tạo hệ ĐH. Nhà trường tuyển sinh 2 hình thức: điểm học bạ 3 năm THPT từ 7,0 điểm trở lên và điểm thi THPT Quốc gia với điểm sàn xét tuyển là 18. Để được theo học tại trường thí sinh xét tuyển bằng học bạ ngoài được từ 7,0 trở lên còn phải trải qua 2 vòng là thi viết tiểu luận và vòng phỏng vấn.

Tại ĐH Y Hà Nội - trường đào tạo y khoa “hot” nhất hiện nay, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng cho biết, năm nay trường tuyển 1.120 chỉ tiêu. Trường điều chỉnh giảm 100 chỉ tiêu ngành Y khoa. Điểm sàn xét tuyển vào trường từ 18-21. Tuy nhiên, GS Nguyễn Hữu Tú dự đoán, điểm chuẩn vào ĐH Y Hà Nội cũng như các trường ĐH y dược có thể cao hơn năm 2018 từ 1-2 điểm.

Nâng điểm “đầu vào” để bảo đảm chuẩn “đầu ra”

Với khoảng 118.000 nguyện vọng đăng ký, ngành đào tạo giáo viên năm nay có điểm sàn từ 14-18 điểm (ĐH 18 điểm, cao đẳng 16 điểm, trung cấp 14 điểm). So với năm ngoái, điểm sàn cao hơn lần lượt ở các bậc học là 1 điểm.

Còn nhớ năm 2018 - năm đầu tiên Bộ GD&ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng với khối ngành đào tạo giáo viên khiến các trường gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh. Thực tế, có trường lao đao vì nguồn tuyển, thống kê chung cho thấy, năm 2018, chỉ tiêu tuyển được chỉ bằng 44% nhu cầu đào tạo sư phạm của các tỉnh, thậm trí các trường trung cấp sư phạm chỉ tuyển được khoảng 20% nhu cầu.

Với mức điểm sàn năm 2019, lãnh đạo một trường ĐH sư phạm chia sẻ, chắc chắn sẽ có khó khăn về nguồn tuyển, đặc biệt ở bậc đào tạo cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, điều đó là cần thiết để duy trì chất lượng.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, mặc dù năm trước các ngành Sư phạm tuyển không đủ chỉ tiêu nhưng năm nay, hội đồng vẫn thống nhất quyết định điểm sàn sư phạm ở mức 18 điểm. Điều này phù hợp với mặt bằng chung của điểm thi năm nay và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Đối với khối đào tạo sức khỏe, GS Nguyễn Hữu Tú cũng cho rằng, kiểm soát chất lượng đầu vào đối với khối ngành này là cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Phân tích kỹ hơn ông Tú nói: Điểm “đầu vào” không quyết định tất cả nhưng là tiêu chí quan trọng để đảm bảo chất lượng “đầu ra”. Trong quá trình đào tạo thực tế ở Trường ĐH Y Hà Nội nhiều chuyên ngành khác nhau có điểm đầu vào từ cao nhất đến thấp hơn và thấp nhất cách nhau gần 10 điểm, chúng tôi nhận thấy năng lực của các bạn sinh viên cũng rất chênh lệch nhau. Chính vì vậy, chúng ta cần tôn trọng năng lực “đầu vào”.

Lý giải tại sao điểm sàn khối ngành Sức khỏe ở mức tương đối cao, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, các mức điểm sàn được hội đồng điểm sàn bàn bạc, thảo luận kỹ và thống nhất quyết định trên bình diện chung, trên cơ sở yêu cầu và điều kiện đảm bảo chất lượng đối với ngành đào tạo chứ không phải căn cứ vào điều kiện từng trường…

Ở góc độ nhà trường, mặc dù năm 2018, điểm chuẩn thi THPT Quốc gia vào Trường ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam là 18, trường chỉ tuyển được 70/300 chỉ tiêu, nhưng cô Đậu Phan Ngọc Bích cho biết đây không phải là lo lắng của nhà trường bởi mục tiêu mà nhà trường hướng tới là “chất” chứ không phải “lượng”.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm