Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Đầu vào” sư phạm “chạm đáy”: Lo chất lượng “đầu ra”

Thứ ba, 08/08/2017 - 08:35

(Thanh tra)- Trong khi nhiều trường đại học (ĐH) khối Công an, Quân đội, Y, Dược điểm chuẩn lên tới 29-30, thậm chí 30,5, thì điểm của các trường khối sư phạm lại xuống… "chạm đáy". Nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, nếu không thu hút được người giỏi vào ngành Giáo dục... thì mọi cải cách giáo dục sẽ thất bại.

Một trong những nguyên nhân khiến thí sinh giỏi không mặn mà với nghề giáo do chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh để cạnh tranh với ngành khác. Ảnh: HH

Điểm chuẩn "chạm đáy"

Theo dõi điểm chuẩn của các trường ĐH năm nay dễ nhận ra điểm chuẩn các trường đều tăng, thậm chí có trường tăng tới 4-5 điểm, ngay cả các trường ĐH ngoài công lập cũng có trường tăng tới 6 điểm. Trái với mức tăng cao kỷ lục này, nhiều trường ĐH sư phạm lại có mức điểm chuẩn rất thấp, đa số đều bằng điểm sàn.

Trường ĐH sư phạm thuộc top đầu cả nước là ĐH Sư phạm Hà Nội điểm chuẩn nhiều ngành chỉ lấy 17 điểm như: Giáo dục Công dân; Giáo dục An ninh Quốc phòng; Công tác xã hội...

Các trường sư phạm ở địa phương điểm chuẩn thấp đến thảm hại. ĐH Hồng Đức tất cả các ngành đào tạo giáo viên đều lấy điểm chuẩn là 15,5; ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) 8/10; Khối ngành sư phạm có mức trúng tuyển bằng điểm sàn. ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) cũng lấy điểm chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ ĐH là 15,5.

Những trường có "thương hiệu" hơn như ĐH  Vinh (Nghệ An), điểm chuẩn các ngành cũng chỉ ở mức sàn 15,5 (trừ Giáo dục Tiểu học). ĐH Sư phạm Thái Nguyên có 6/14 ngành đào tạo giáo viên lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn 15,5.

Cá biệt, ĐH Sư phạm Huế, rất nhiều khoa của trường này lấy điểm từ 16,5 trở xuống. Đáng lưu ý, các khoa Sư phạm Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học có mức điểm chuẩn là 12,75 - thấp hơn rất nhiều so với “sàn” của Bộ GD&ĐT. 

Với hệ cao đẳng (CĐ) tình hình "u ám" không kém. Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh mức điểm trúng tuyển cao nhất là 17,75 cho ngành Sư phạm Tiểu học, kế tiếp là ngành Giáo dục Mầm non với 15,75 điểm. Các ngành còn lại đều lấy điểm chuẩn là 9. Như vậy, chỉ cần mỗi môn đạt 3 điểm, thí sinh đã có cơ hội trở thành giáo viên trong tương lai.

Phải dũng cảm "phanh" chỉ tiêu

Chia sẻ về mức điểm đầu vào của các trường ĐH sư phạm, TS Giáp Văn Dương - CEO Học viện Khởi nghiệp Việt Nam - người sáng lập và đang điều hành cổng giáo dục trực tuyến GiapSchool cho biết: Điều làm tôi phiền lòng nhất của kỳ tuyển sinh năm nay là điểm trúng tuyển của các trường khối sư phạm quá thấp.

Trường ĐH Sư phạm Huế điểm trúng tuyển chỉ 12,75 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên tối đa lên đến 3,5 điểm thì chỉ cần 9,25 điểm cho 3 môn đã trúng tuyển. "Với đề thi dễ như năm nay thì phải nói đó là những em có năng lực học tập rất yếu. Nhưng sau 4 năm, họ sẽ trở thành giáo viên, sẽ là người dạy dỗ con em chúng ta, và là người dẫn dắt nền giáo dục này. Chuyện gì xảy ra tiếp theo... "- TS Giáp Văn Dương lo lắng.

TS Giáp Văn Dương cho rằng: Chất lượng giáo viên đang ở mức báo động. Lẽ ra giáo viên phải là những người giỏi nhất, tự hào về bản thân và nghề nghiệp của mình, thì ở ta rất nhiều giáo viên lại đang bị đánh giá là những người thất bại. Thất bại từ ngay kỳ thi tuyển sinh đầu vào nên điểm tuyển của trường sư phạm mới thấp như vậy.

"Chỉ hy vọng các trường sư phạm không chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh để giữ chất lượng. Các trường phải có sự dũng cảm để "phanh" lại một vài năm, không đánh đổi chất lượng với số lượng, không tuyển người có năng lực học tập quá yếu vào trường để sau này đi dạy học. Nếu không thu hút được người giỏi vào ngành Giáo dục, nếu nhà giáo không sống được bằng lương, thì mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại" - TS Giáp Văn Dương nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn vào trường sư phạm "chạm đáy", Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng thừa nhận, những ưu đãi để thu hút thí sinh giỏi vào ngành Sư phạm như miễn học phí, phụ cấp thâm niên nghề... chưa đủ mạnh để cạnh tranh với ngành khác. Ngoài ra, tâm lý xã hội, xu hướng ngành nghề, nhu cầu nhân lực các ngành... cũng tác động khiến học sinh chưa thực sự hứng thú với nghề giáo để đăng ký học và như vậy trường địa phương buộc phải lấy mức chuẩn bằng điểm sàn.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm