Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Còn nhiều “sạn”

Thứ bảy, 15/03/2014 - 09:02

(Thanh tra) - Ðề án “Ðổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015”, sẽ được thực hiện sau 2 năm nữa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành Giáo dục, Đề án này còn rất nhiều “sạn”...

GS. Nguyễn Minh Thuyết- Đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm, nhưng “tuổi thọ” chỉ từ 5 - 6 năm, thậm chí ngắn hơn là rất lãng phí.

Lộ trình dài, “tuổi thọ” ngắn

Theo Dự thảo Đề án, lộ trình đổi mới được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2014 - 06/2016, giai đoạn hai từ tháng 07/2016 - 2022. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành nghiên cứu cơ sở khoa học về đổi mới chương trình, SGK, hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học thử nghiệm. Cũng trong giai đoạn này, việc biên soạn, thẩm định, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý về thử nghiệm chương trình SGK lớp 1, 6 và lớp 10 sẽ được thực hiện. Sang giai đoạn 2, sẽ hoàn thành việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn của các lớp học còn lại, gồm lớp 2, 3, 4, 5, 8, 9, 11 và 12.

Như Dự thảo thì Đề án sẽ kết thúc vào năm 2022 (tức là sau 8 năm nữa), tuy nhiên, theo kinh nghiệm của PGS.TS Văn Như Cương, thời gian có thể sẽ kéo dài đến 2024. Như vậy, phải cần đến 10 năm để chúng ta làm một sự thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục, đây là thời gian quá dài, khó chấp nhận được.

“Với thời gian đó có thể có 2 - 3 vị Bộ trưởng khác nhau của ngành Giáo dục và nghĩa là phải thay tướng tổng chỉ huy đến mấy lần. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi. Đó là chưa kể đến trong khoảng thời gian đó, trên thế giới có thể sẽ xảy ra 1 cuộc cách mạng lớn lao và ngoạn mục trong ngành Giáo dục... Nếu điều đó xảy ra thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào khi cuộc cách mạng về giáo dục của chúng ta chưa kịp hoàn thành? PGS. Cương đặt câu hỏi.

“Cần đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới này. Một mặt cần thận trọng, mặt khác không thể làm ăn theo kiểu rề rà, đến đâu hay đến đó. Xã hội không thể chờ và đợi như thế”, PGS nhấn mạnh.

Từ những lo lắng trên, PGS. Cương đề xuất bỏ bớt những khâu rườm rà, cứng nhắc. Việc gì phải làm trước thì cứ làm, không nhất thiết phải tuần tự, ví như: Chọn người viết SGK, tiêu chuẩn đã có rồi cứ chọn, sau đó bắt tay vào biên soạn, không phải chờ đợi sau khi ra được văn bản về tiêu chuẩn chất lượng SGK rồi mới làm…

Đồng quan điểm lộ trình thực hiện Đề án quá dài, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội còn bày tỏ băn khoăn vì “tuổi thọ” của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng bị rút ngắn. Trong Dự thảo ghi rõ: “Do tốc độ phát triển quá nhanh của khoa học kỹ thuật (trong đó có khoa học giáo dục) và sự biến đổi mau lẹ của đời sống, thời gian tồn tại của một chương trình giáo dục phổ thông ngày càng được rút ngắn, vào cuối thế kỷ XX là 10 năm thì nay chỉ còn từ  5 - 6 năm, thậm chí ngắn hơn”. Theo GS. Thuyết, thông tin này sẽ làm nhiều người lo lắng vì 1 đề án được chuẩn bị trong vòng 8 năm (từ nay đến năm 2022) với rất nhiều công sức và chi phí mà “tuổi thọ” chỉ được 5 - 6 năm thì rất lãng phí.

Từ phân tích trên, GS. Thuyết đề nghị, Đề án cần đưa ra được giải pháp thiết kế chương trình, SGK mới, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng hiện nay. Ðể làm được điều đó, trong xây dựng nội dung chương trình, SGK có thể thiết kế phần “cứng” và “mềm” có độ mở linh hoạt để vừa tiếp nhận những yếu tố mới vừa không phải thay đổi nhiều.

Không nên “cuốn chiếu”

Theo Dự thảo, thử nghiệm chương trình và SGK sẽ được thực hiện theo phương thức: Thử nghiệm 1 vòng “cuốn chiếu” theo cấp học, bắt đầu thử nghiệm đồng thời từ các lớp đầu cấp học (lớp 1, lớp 6, và lớp 10) của cả 3 cấp học.

Mẫu thử nghiệm được thực hiện bằng cách chọn mỗi vùng kinh tế, xã hội chọn một số tỉnh thành đại diện, ở mỗi tỉnh chọn một số trường đủ điều kiện đại diện cho các vùng thành thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tham gia. Dự kiến, việc thử nghiệm sẽ diễn ra ở khoảng 2% số trường trên cả nước. 

Nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với luận điểm trên của Dự thảo. PGS. Văn Như Cương thẳng thắn nói: Không nên thay SGK mới theo kiểu “cuốn chiếu”, năm nay các lớp 1, 6 và 10, sang năm lớp 2, 7 và 11… Bằng cách đó phải mất đúng 5 năm “chiếu mới cuốn xong”.

“Hãy hình dung tình trạng sau ở các trường tiểu học: Giả sử năm nay thay sách lớp 1 theo kiểu “cuốn chiếu” thì học sinh lớp 1 vẫn học chương trình cũ và 3 năm nữa (lớp 3, 4, 5) họ vẫn học theo chương trình cũ còn học sinh lớp dưới học chương trình mới! Hai kiểu đào tạo cũ và mới cùng tồn tại trong 1 trường tiểu học như vậy trong 5 năm trời là không ổn tí nào về mặt tâm lý, tổ chức giảng dạy và nhiều vấn đề khác. Và rồi sau đó, học sinh lớp 5 cũ phải lên học lớp 6 mới ở trường THCS lại nảy ra rất nhiều vấn đề về điều chỉnh, thêm bớt chương trình lớp 6 mới. Đó là chỉ nói đến trường tiểu học chưa bàn đến trường có 2 hoặc 3 cấp học”.

“Tôi đề nghị nên cương quyết thay sách đồng loạt ngay lập tức từ lớp 1 đến lớp 12. Nếu thay sách đồng thời 1 lúc thì lộ trình thực hiện chỉ mất 1 năm thay vì 5 năm theo kiểu cuốn chiếu”, PGS. Cương quả quyết.

Còn về việc Dự thảo dự kiến chương trình, SGK mới chỉ được thực hiện ở những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục. Những trường chưa đủ điều kiện phải nhanh chóng bổ sung để có đủ điều kiện... điều này khiến GS. Nguyễn Minh Thuyết không khỏi ngỡ ngàng: “Nếu được quyết định thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới giáo dục được tuyên bố rõ là chỉ áp dụng cho những nơi đã có đủ điều kiện. Định hướng như vậy thì không biết có bao nhiêu địa phương, bao nhiêu cơ sở nằm ngoài công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8?”.

Ngoài việc không đồng tình về cách chọn mẫu thử nghiệm như trên, GS. Thuyết còn chỉ ra nhiều điểm bất cập trong Dự thảo Đề án như: Việc xác định 8 lĩnh vực giáo dục trong chương trình tổng thể giáo dục phổ thông là không hợp lý, nội dung giáo dục phổ thông chỉ nên gói gọn ở 5 lĩnh vực là khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, thể chất và lối sống; về số lượng các môn học có vẻ ít hơn trước, tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy vì 1 số môn được ghép vào nhau thành 1 môn, trong đó, có những sự lắp ghép chưa đúng như tích hợp âm nhạc và mỹ thuật thành 1. Bên cạnh đó, tên của 1 số môn học cũng không phù hợp ví dụ như “cuộc sống quanh ta”, “tìm hiểu tự nhiên”, “tìm hiểu xã hội”…

      Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm