Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bệnh thành tích: Tín hiệu cảnh báo về bệnh trầm cảm ở trẻ

Nhài Lan Dương

Thứ ba, 18/06/2024 - 21:56

(Thanh tra) - Tình trạng trầm cảm do áp lực thi cử ở trẻ em ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Thay vì được thư giãn và tận hưởng kỳ nghỉ hè, nhiều em phải dành thời gian để tham gia các lớp học thêm và các khóa luyện thi. Áp lực này không chỉ gây ra căng thẳng và mệt mỏi mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của trẻ.

Tỷ lệ trầm cảm trong mùa thi ở học sinh hiện nay đang tăng đáng kể. (Ảnh: Internet)

Vậy tình trạng này diễn biến như thế nào và cách giải quyết ra sao? Để giải đáp thắc mắc, chúng ta đến với cuộc trò chuyện cùng tiến sĩ Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý giáo dục.

Trầm cảm ở lứa tuổi học sinh tăng cao

PV: Theo bà, thực trạng trầm cảm ở trẻ em hiện nay liên quan đến áp lực thi cử không?

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: Theo nhiều tài liệu tôi có dịp tiếp cận thì tỷ lệ trẻ em mắc những vấn đề về tinh thần trong những năm qua không ngừng tăng cao. Đặc biệt là những học sinh trong những giai đoạn vượt cấp, là nhóm có nguy cơ mắc những bệnh tinh thần nhiều hơn. Đáng buồn là con số này đang có nguy cơ tăng lên trong những năm trở lại đây.

PV: Bắt đầu từ tháng 4 cho đến hết tháng 7, theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm trong mùa thi tăng cao, chiếm tới 20-30% số học sinh tham gia thi. Đây là thời gian diễn ra các kỳ thi quan trọng như thi vào THPT và thi đại học. Vậy theo chuyên gia nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: Nhóm nguyên nhân trực tiếp ai cũng có thể nhìn thấy rõ ràng là các con đang thi, với tỷ lệ chọi ngày càng đông, điểm ngày càng cao, để kiếm được 1 suất vào công lập, trường top thực sự vô cùng khó khăn, nên khiến các con, bố mẹ, và thầy cô đều chịu nhiều áp lực và áp lực nhất tất nhiên vẫn là con.

Thứ hai, nhóm nguyên nhân gián tiếp: Đó là lý do đến từ bối cảnh văn hoá, bối cảnh xã hội thời kỳ này, nơi mà giáo dục thường coi thành tích học tập là mục tiêu cao nhất. Điểm số và trường học trở thành thước đo chung cho thành công, không chỉ của học sinh mà còn là “bệnh” thành tích của bố mẹ và gia đình. Thực ra đây không hẳn là vấn đề chung của xã hội Việt Nam.

Cuối cùng, không thể phủ nhận sự ưu việt của internet và mạng xã hội tới đời sống con người hiện đại, nhưng vô tình, đây là nguyên nhân của mất kết nối, cô đơn, khó tập trung và căng thẳng, lo âu của các em tăng cao.

PV: Trong một diễn đàn giáo dục dành cho các học sinh cuối cấp của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhiều học sinh chia sẻ rằng: Sự phát triển của mạng xã hội cũng góp phần khiến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi của họ trở nên trầm trọng hơn. Bà đánh giá sao về quan điểm này?

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: Tôi đánh giá cao ý kiến này của các em học sinh. Bởi lẽ trong nhiều nghiên cứu gần đây trên thế giới, chính mạng xã hội là nguyên nhân khiến cho trầm cảm lo âu gia tăng.

Cụ thể, trong rất nhiều nghiên cứu hiện nay, mạng xã hội khiến cho chúng ta mất tập trung, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra, hội chứng nghiện kiểm tra thông tin, cập nhật thông tin khiến dòng tập trung của các em bị sao nhãng. Từ đó việc học bị giảm hiệu quả, khiến các em càng thêm lo lắng và căng thẳng.

Ngoài ra, cùng với sự gia tăng kết nối của mạng xã hội, là khoảng cách cô đơn trong đời thực. Việc trao đổi thông tin, chia sẻ tâm sự đều qua mạng ảo, khiến cho kết nối thật không còn được phổ biến. Điều đó khiến cho người ta khó có thể thực sự cảm nhận nhau, cảm giác cô đơn giữa đông người.

Thêm vào đó, chúng ta đang ở một môi trường mà vật chất được đề cao. Điều này khiến phụ huynh căng thẳng, lo âu. Còn các em học sinh, với nhiều luồng thông tin cũng cảm thấy mình không đủ giàu, đẹp, giỏi, không đủ điều kiện, sự tự do… sẽ luôn cảm thấy thiếu thốn, từ đó cảm thấy kém cỏi, căng thẳng nhiều hơn.

Sự chuyển hóa từ trong nhận thức

PV: Vai trò của phụ huynh trong việc hỗ trợ trẻ em đối phó với áp lực thi cử là gì, thưa bà?

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: Tôi nghĩ, phụ huynh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ con đối phó với áp lực thi cử. Do vậy, áp lực thi cử là cơ hội hay thách thức, cũng phụ thuộc không nhỏ tới phụ huynh.

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý giáo dục. Ảnh: NVCC

Đầu tiên, là việc đặt mục tiêu, nếu có một mục tiêu vừa sức, trong tầm với, thì niềm tin vào bản thân sẽ khiến các con không quá bị sức ép như mục tiêu không tưởng

Thứ hai, là nếu các con được chấp nhận và ghi nhận, nếu đã hết sức nỗ lực dù kết quả như thế nào, thì sẽ tránh được những nỗi lo sợ do không đạt được mục tiêu, bị bố mẹ trách mắng đến hoảng loạn và không thể tập trung được vào bài vở

Thứ ba, bố mẹ nên nhớ con người không phải là cái máy, năng lượng trí óc và tinh thần có hạn. Chúng ta phải đặt mình vào vị trí của con để hiểu và thương được con. Bố mẹ nên có sự tỉnh táo để nhìn nhận thấu đáo.

Cuối cùng, học hành là một quá trình, bố mẹ cần đồng hành với con từ đầu năm học, tạo điều kiện cho con nắm chắc kiến thức, để đến kỳ thi, con không phải nhồi nhét đến mức kiệt sức.

PV: Áp lực thi cử chính là “giọt nước tràn ly” gây rối loạn tâm thần ở trẻ. Hiện tượng “trẻ hóa của các nạn nhân trầm cảm” những năm gần đây là một dấu hiệu đáng báo động về sức khỏe tâm thần của người Việt. Đặc biệt là trầm cảm do áp lực thi cử ở học sinh. Vậy theo chuyên gia, cần thay đổi gì trong hệ thống giáo dục để giảm thiểu nguy cơ trầm cảm do áp lực thi cử?

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: “Đối với hệ thống giáo dục, có lẽ chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, việc chúng ta có đang mắc bệnh thành tích hay không? Một nền giáo dục mà rõ ràng thành tích đi lên, nhưng đời sống tinh thần của học sinh lại đi xuống. Đặc biệt là với những học sinh cuối cấp, điểm chung của các em trong mỗi kỳ thi, đều là thiếu ngủ, căng thẳng và mệt mỏi.

Bên cạnh đó, chúng ta đang có sự mất cân bằng trong việc phát triển con người. Trong khi, với hệ thống giáo dục của nước ngoài, theo như tôi được biết, thì thể dục thể thao và môn nghệ thuật được quan tâm và đầu tư rất nhiều. Vì nó giúp phát triển con người toàn diện.

Do vậy, cần điều chỉnh lại cách đánh giá thành tích và giảm bớt áp lực thi cử. Thay vào đó, hệ thống giáo dục nên tập trung vào sự phát triển toàn diện của học sinh, bao gồm cả khía cạnh tinh thần và thể chất. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo điều kiện cho học sinh có một cuộc sống học đường lành mạnh hơn.

PV: Chuyên gia dự đoán như thế nào về xu hướng trầm cảm ở trẻ em trong tương lai liên quan đến áp lực thi cử? Có những biện pháp dự phòng nào có thể được thực hiện ngay từ bây giờ?

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang: Tôi nghĩ, nếu chỉ hướng dẫn học sinh và ba mẹ, thầy cô về các triệu chứng của trầm cảm để hỗ trợ con sớm thì vẫn chưa đủ. Cách giải quyết vấn đề tốt nhất là khiến cho vấn đề không xảy ra.

Chúng ta phải thay đổi mọi yếu tố nguyên nhân cấu thành trầm cảm, sự chuyển hoá phải diễn ra từ trong nhận thức của các con, bố mẹ, thầy cô, nhà trường, hệ thống giáo dục và cả toàn xã hội. Từ việc thay đổi những điều kiện tạo thành nguyên nhân khiến trầm cảm ít có cơ hội khởi phát.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang là chuyên gia tâm lý giáo dục, Trưởng ban Cố vấn giáo dục Happy Teen

Tác giả sách: Nghiên cứu Văn hoá Việt Nam; Vấn đề Phụ nữ; Làm cha mẹ, nuôi dạy con.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm