Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

WHO công nhận Việt Nam thanh toán thành công bệnh mắt hột

Thứ ba, 22/10/2024 - 14:26

(Thanh tra) - Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã chúc mừng Việt Nam loại trừ được bệnh mắt hột ra khỏi các vấn đề y tế công cộng, theo xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhân viên y tế đến các khu dân cư khám và chưa bệnh mắt hột cho người dân. Ảnh WTO

Với kết quả này người dân Việt Nam sẽ không còn nguy cơ bị mù lòa do bệnh mắt hột - nguyên nhân truyền nhiễm gây mù lòa hàng đầu trên toàn thế giới.

"Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam về thành tựu y tế công cộng mới nhất này", Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs cho biết. "Loại trừ thành công bệnh mắt hột ra khỏi các vấn đề y tế công cộng thể hiện những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Việt Nam nhằm giải quyết các bệnh nhiệt đới bị lãng quên. USAID rất vui mừng là một phần trong nỗ lực hợp tác tuyệt vời này và sẽ tiếp tục là đối tác đầy cam kết của Việt Nam trong công tác tăng cường y tế công cộng".

Việt Nam với sự hỗ trợ của các đối tác và nhà tài trợ trong nước và nước ngoài, đã loại trừ được bệnh mắt hột ra khỏi các vấn đề y tế công cộng thông qua triển khai điều trị cộng đồng, theo dõi và ghi lại đầy đủ toàn bộ tiến trình. Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt trung ương Việt Nam đã luôn đi đầu trong nỗ lực thanh toán bệnh mắt hột. Công tác điều trị dự phòng được Pfizer tài trợ.

Được biết, USAID đã cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam nhằm loại trừ bệnh mắt hột kể từ năm 2011. USAID cũng đã hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam nhằm xóa bỏ bệnh giun chỉ bạch huyết, một bệnh nhiệt đới khác đã được thanh toán vào năm 2018.

Bệnh mắt hột là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh do dùng chung khăn hoặc quần áo và lây lan qua loài ruồi là trung gian truyền bệnh. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại sẽ khiến người bệnh đau đớn, có thể bị mất thị lực hoặc mù vĩnh viễn. Sự kỳ thị và mất đi cơ hội trong cuộc sống do nhiễm căn bệnh này gây ra gánh nặng về kinh tế và xã hội không đáng có cho nhiều cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Được biết, tại phiên họp thứ 75 của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khai mạc ngày 21/10 tại Manila, WHO đã trao giấy chứng nhận, công nhận Việt Nam thanh toán thành công việc loại trừ bệnh đau mắt hột.

Trong 70 năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực chống lại bệnh đau mắt hột, điều trị cho hàng trăm nghìn người và thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Những nỗ lực này đã được tăng cường đáng kể với việc thực hiện chiến lược SAFE của WHO, bao gồm phẫu thuật, kháng sinh, vệ sinh mặt và cải thiện môi trường.

Các cuộc khảo sát trước đây chỉ ra rằng bệnh đau mắt hột là một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại bốn tỉnh ở Việt Nam. Ba mươi năm trước, 1,7% người dân sống tại các tỉnh có nguy cơ cao này cần phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do bệnh đau mắt hột. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ người lớn mắc dạng bệnh gây mù lòa này đã giảm xuống dưới 0,2%, đây là ngưỡng cần thiết để WHO xác nhận việc loại trừ bệnh đau mắt hột là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết: "Việc loại trừ bệnh đau mắt hột như một vấn đề sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, là một thành tựu to lớn đối với đất nước và cuộc chiến toàn cầu chống lại căn bệnh này". "Cột mốc này là minh chứng cho sự tận tụy không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam, bao gồm nhiều người làm việc ở cấp cộng đồng. Nó nhấn mạnh sức mạnh của hành động tập thể, tư duy sáng tạo và cam kết chung hướng tới một tương lai khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người. Tôi khen ngợi Việt Nam vì sự tận tụy và thành công trong việc bảo vệ thị lực của hàng triệu người".

Tiến sĩ Saia Ma'u Piukala, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, cho biết: "Việc loại trừ bệnh đau mắt hột ở Việt Nam cho thấy cam kết của Chính phủ, nhân viên y tế và cộng đồng trên khắp cả nước". "Đây là một ví dụ điển hình về cách các biện pháp can thiệp có mục tiêu, quan hệ đối tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân".

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương, việc loại trừ bệnh đau mắt hột là khoảnh khắc đáng tự hào đối với Việt Nam. “Những nỗ lực chung của nhiều cơ quan và cộng đồng, với sự hỗ trợ của WHO và các tổ chức đối tác, đã cứu hàng nghìn người khỏi tình trạng mù lòa suốt đời và bất lợi về kinh tế. Con em chúng ta giờ đây có thể lớn lên an toàn khỏi căn bệnh đau đớn và có khả năng gây mù lòa này. Đây là một thành tựu tuyệt vời đối với người dân chúng ta, sẽ mang lại lợi ích trong nhiều thập kỷ tới. Trong khoảnh khắc hạnh phúc này, thay mặt cho người dân Việt Nam, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các đối tác quốc tế đã đóng góp hỗ trợ to lớn cho việc loại trừ bệnh đau mắt hột ở Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Nguy cơ sạt lở ở Hoà Bắc

Đà Nẵng: Nguy cơ sạt lở ở Hoà Bắc

(Thanh tra) - Từ ngày 20/10 đến nay, tại TP Đà Nẵng trời mưa liên tục, có nơi mưa to đến rất to. Trong đó, xã miền núi Hoà Bắc (huyện Hoà Vang) có mưa to, giông kèm sấm chớp liên tục. Nhiều hộ dân có nhà ở sát các chân núi luôn thấp thỏm, lo sợ vì nỗi lo núi sạt lở bất ngờ…

Ngọc Phó

15:43 22/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm