Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rất nhiều hồ thủy lợi có thể làm du lịch, nhưng địa phương còn ngần ngại

Hương Giang

Thứ ba, 04/06/2024 - 16:39

(Thanh tra) - Cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chọn lựa ra rất nhiều hồ thủy lợi có thể làm du lịch, nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các địa phương còn “hơi chần chừ, ngần ngại”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: P.Thắng

“Chia lửa” cùng Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời nhiều vấn đề đại biểu quan tâm, trong có tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long.

“Tôi là người ở đồng bằng nên tôi cũng cảm nhận được điều đó. Ngay trước cửa nhà sạt lở, tôi cảm nhận hằng ngày, nên chia sẻ với các đại biểu”, ông Hoan nói.

Việt Nam “không phải là một quốc gia dư thừa nước”

Sau chuyến thị sát vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình một đề án tổng thể chiến lược về hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ở đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 9 này.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thế giới đang đánh giá đang ở trong kỷ nguyên khô hạn, mang tính toàn cầu và Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Trong vấn đề nước, ông Hoan cho rằng, cách thức sử dụng nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước.

“Chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên, dù chúng ta nói là tài nguyên nước. Chúng ta cứ nghĩ nước là vô hạn, nhưng thật sự bây giờ, nước là tài nguyên hữu hạn”, ông nói.

Chia sẻ vừa có buổi làm việc với các chuyên gia ở Israel, ông Hoan cho hay, đây là quốc gia sa mạc nhưng vẫn có nền nông nghiệp vượt trội. Khởi đầu của họ là văn hóa tiết kiệm nước trong tiêu dùng, sinh hoạt, sản xuất.

“Có lẽ đến giờ này, chúng ta phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng: Chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước. Tài nguyên này sẽ ngày càng khan hiếm hơn”, bộ trưởng nhấn mạnh.

Cho rằng, cần giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn bằng chiến lược tổng thể, ông Hoan đề cập đến việc chuyển đổi trạng thái từ nền nông nghiệp sử dụng nước không mất phí để tính toán lại.

Khi sử dụng nước tự nhiên tràn lan, nước hết thì lại đến khai thác nước ngầm, sẽ gây ra một hệ lụy, vòng luẩn quẩn.

Ông cũng nhắc đến thực trạng nhiều công trình chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có độ phủ để nhiều người nông dân hưởng lợi. Do đó, ông Hoan cho biết sẽ đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long để “khép lại một số vùng được đầu tư nửa kín, nửa hở chưa có tác dụng”.

Hồ thủy lợi sinh cảnh đặc biệt làm du lịch sẽ có thêm nguồn lực

Về hồ trữ nước, theo Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương cần phải xem xét một cách thận trọng.

“Đồng bằng sông Cửu Long không phải đơn giản để lấy một diện tích lớn làm hồ hồ trữ nước ở một địa phương nào đó để phục vụ cho một địa phương khác”, ông nêu lý do.

Dẫn bài của Trà Vinh gần như không bị một ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, nước phục vụ sản xuất, kể cả về nước sinh hoạt, ông cho hay, địa phương này đã khơi thông tất cả các luồng lạch, kênh mương rạch tự nhiên, từ cộng đồng, từ hộ gia đình.

“Nước ở đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp cận vừa từ trên xuống, từ dưới lên. Tức là tiếp cận từ hộ gia đình tới cộng đồng dân cư, mỗi một gia đình, cộng đồng dân cư có cách trữ nước riêng thì nguồn lực đầu tư của Nhà nước sẽ giảm đi. Như vậy, sẽ đẩy nhanh được tiến trình để hỗ trợ cho bà con đồng bằng sông Cửu Long”, ông nêu quan điểm.

Về an toàn hồ đập, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh. Các hồ này đều đang trong trạng thái an toàn.

Còn lại gần 900 hồ nhỏ và vừa đang được phân cấp cho địa phương trực tiếp quản lý. Trong đó, một số địa phương nguồn lực hạn chế, bộ sẽ trình Thủ tướng có đề án tổng thể để có giải pháp.

Đặc biêt, ông Hoan nói, hồ thủy lợi đều có những thắng cảnh, những sinh cảnh rất đặc biệt, nên có thể tích hợp để làm du lịch hoặc nuôi cá trên lòng hồ.

“Chỉ có như vậy mới có thêm nguồn lực để chúng ta bảo hành, bảo trì và nuôi một đội ngũ cán bộ quản lý, các hộ là nông nhân đầu đập”, ông cho biết, bộ đã chọn lựa ra rất nhiều hồ thủy lợi có thể làm được việc này, nhưng các địa phương còn “hơi chần chừ, ngần ngại”.

“Tôi biết việc mới ra đời bao giờ khó khăn, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thêm, một hồ của Trung Quốc hàng năm đón hàng triệu khách du lịch, không chỉ phục vụ mục tiêu thủy lợi mà có thể tạo ra đa mục tiêu, đa sinh kế, nguồn thu. Từ đó, đắp đổi vào nguồn thu Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm