Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từ vụ cháy chung cư mini thấy phát triển Thủ đô Hà Nội "có phần khó kiểm soát"

Hương Giang

Thứ tư, 20/09/2023 - 09:56

(Thanh tra) - Sau sự kiện đau lòng - cháy chung cư mini và việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận xét, “định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành 2012, tức cách đây 10 năm”.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 20/9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo này có 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với luật hiện hành, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Công tác quản lý chưa nghiêm

Nêu ý kiến Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ông đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan đế việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, nhất là Điều 20 dự thảo luật về các biện pháp bảo đảm quy hoạch.

“Bởi lẽ thông qua các quy định dự thảo luật chúng ta có thể hình dung được hình hài phát triển của Thủ đô trong tương lai”, ông Cường nói.

Ông nhất trí với quy định không mở rộng đất các bệnh viện hiện có; đồng thời nhất trí di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, y tế, giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.

“Chủ trương rất đúng! Chúng ta đã đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội, cần triển khai sớm và quyết liệt”, theo Tổng Thư ký Quốc hội.

Từ thực tế phát triển Thủ đô, nhất là sau sự kiện đau lòng - cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân và việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini, ông Bùi Văn Cường nhận xét, “định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành 2012, tức cách đây 10 năm”.

Không chỉ có Luật Thủ đô 2012, trước đó còn Pháp lệnh Thủ và nhiều nghị quyết của Quốc hội đã có chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội.

“Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Di dời trụ sở cơ quan, trường đại học khỏi nội đô “rất chậm chạp”

Vẫn theo ông Cường, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, giáo dục, sự nghiệp công lập, trụ sở cơ quan bộ, ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan Trung ương và TP đã đặt ra từ rất lâu, nhưng “triển khai rất chậm chạp”.

Đối chiếu dự án luật, ông Cường thấy, quy định theo hướng biện pháp, lộ trình di dời được ủy quyền để Thủ tướng quyết định. Nhưng hồ sơ chưa thấy có dự thảo văn bản chi tiết trình cùng dự luật.

“Dự thảo luật ủy quyền khá nhiều cho các cơ quan nhưng chưa có dự thảo văn bản chi tiết kèm theo”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường băn khoăn.

Tại Điều 20, dự thảo luật về các biện pháp bảo đảm quy hoạch quy định, trong khu vực nội đô lịch sử không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính hoặc địa điểm đào tạo ở khu vực nội đô lịch sử trước thời điểm luật có hiệu lực thì không được đặt địa điểm đào tạo trong khu vực nội đô lịch sử.

Cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời.

Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức Trung ương.

UBND TP Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Quỹ đất của các cơ quan, đơn vị, cơ sở di dời khỏi đô thị trung tâm được ưu tiên sử dụng để xây dựng không gian công cộng và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm