Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Từ câu chuyện làm luật của Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội nêu “chúng ta phải đổi mới thế nào?”

Hương Giang

Thứ ba, 27/08/2024 - 14:20

(Thanh tra) - Nêu câu chuyện một kỳ họp Nhật Bản làm 230 luật, một luật chỉ 1-2 trang, trong khi luật của Việt Nam lên tới hàng trăm trang, trên 100 điều, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề: Tới đây chúng ta phải đổi mới thế nào?

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ tổ chức diễn đàn xây dựng pháp luật để rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật thời gian vừa qua. Ảnh: P.Thắng

Thực tế này được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề cập khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 6 của đại biểu Quốc hội chuyên trách, ngày 27/8.

Tại sao luật thực hiện chưa bao lâu phải điều chỉnh, phải sửa?

Ông Trần Thanh Mẫn cho biết chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật.

Trong đó, có 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7  và 1 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực (sửa đổi).

Nếu được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

“Các dự án thảo luận tại hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng đối với hệ thống chính trị và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan lưu ý kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các vấn đề địa phương, người dân, doanh nghiệp gặp vướng mắc, cần tháo gỡ… để chỉnh lý, hoàn thiện quy định.

Nhắc đến thời điểm này chỉ còn 3 kỳ họp nữa là kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ông Trần Thanh Mẫn cho biết Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng chương trình luật pháp lệnh năm 2021-2026, thực hiện đạt 83,97% trong kế hoạch.

“Chưa kể dự án luật mới phát sinh được Quốc hội cho điều chỉnh, bổ sung, khối lượng công việc nhiệm kỳ khóa XV này rất lớn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhận định việc xây dựng pháp luật thời gian vừa qua có nhiều tiền bộ, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn còn những hạn chế cần rút kinh nghiệm.

“Tại sao luật chúng ta ban hành thực hiện không bao lâu phải điều chỉnh, phải sửa? Các địa phương khi có luật, triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa đến nơi đến chốn”, ông Trần Thanh Mẫn nêu vấn đề.

Theo ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ tổ chức diễn đàn xây dựng pháp luật để rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật thời gian vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị lần thứ 6 của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: P.Thắng

Ông nhắc đến câu chuyện khi tiếp lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản và được biết Nhật Bản mỗi kỳ họp làm 230 luật, một luật chỉ 1-2 trang, còn luật của Việt Nam lên tới hàng trăm trang, trên 100 điều.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc đến việc Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Khắc Định mới đi Trung Quốc học tập, trao đổi kinh nghiệm, thấy mỗi năm họ họp Quốc hội 2 kỳ nhưng mỗi kỳ chỉ khoảng 3-7 ngày, việc làm luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ủy viên chuyên trách của Quốc hội làm.

“Vậy tới đây chúng ta phải đổi mới thế nào?”, ông Mẫn đặt vấn đề sau khi dẫn chứng bài học làm luật từ Nhật Bản và Trung Quốc.

“Cái gì chưa chín, chưa rõ dứt khoát không đưa vào luật”

Để việc thảo luận các dự thảo luật đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này cho ý kiến vào các dự thảo luật cần thể hiện rõ quan điểm, cho ý kiến rõ các dự án đã đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới hay chưa.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh dành ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng.

“Chỉ những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua. Những vấn đề thực tiễn đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cái gì chưa chín, chưa rõ dứt khoát không đưa vào luật. Muốn đưa vào vấn đề này vấn đề nọ nhưng chưa đánh giá tác động, chưa rõ mà đưa vào luật thì không được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đặc biệt, ông lưu ý việc làm luật phải bảo đảm bảo việc không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn được tình trạng việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực cơ quan quản lý nhà nước chưa.

“Các đại biểu Quốc hội khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan, không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách”, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho hay, qua tổng kết kỳ họp 7 cho thấy, việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đã có bước chuyển biến tích cực nhờ cách thức thực hiện mới.

Do đó, ông đề nghị, ngay sau kết thúc hội nghị này, các cơ quan phối hợp tổ chức tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu và gửi các vị đại biểu Quốc hội ngay khi chỉnh lý, hoàn thiện xong, không chờ đến khi đủ hết các loại tài liệu mới gửi, tài liệu nào có trước thì gửi trước.

“Từng bước cố gắng khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi tài liệu, đảm bảo đại biểu Quốc hội tiếp cận tài liệu trình tại kỳ họp sớm nhất, có đủ thời gian để nghiên cứu, quyết định, nhất là đối với những dự án luật, nghị quyết trình thông qua”, theo lời Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm