Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trưởng ban Công tác đại biểu: “Bỏ phiếu tín nhiệm bản chất là miễn nhiệm”

Hương Giang

Thứ ba, 30/05/2023 - 18:37

(Thanh tra) - Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai “nấc” khác nhau. “Bỏ phiếu tín nhiệm bản chất là miễn nhiệm”, theo Trưởng ban Công tác đại biểu.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Ảnh: P.Thắng

Chiều ngày 30/5, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra tại hội trường, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Nghị quyết này dự kiến thay thế Nghị quyết 85 năm 2014, chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các chức danh Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn vào cuối năm nay.

Nêu ý kiến đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm bên cạnh để đánh giá cán bộ, mà còn để thực hiện các bước tiếp theo như đưa ra khỏi quy hoạch, miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm.

Vì vậy, theo ông Thắng, Điều 4 - mục đích, yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm cần quy định thống nhất với Điều 3 trong dự thảo nghị quyết.

Dự thảo nghị quyết quy định các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8. Trong đó, nghiêm cấm “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm”.

Đại biểu Thắng thấy quy định này “chưa đủ”. “Có những lời hứa không phải vất chất như hứa sẽ được bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp ví trí nào đó, cho cơ hội thăng tiến để người đó làm theo mục đích không trong sáng”, ông Thắng phân tích.

Từ đó, đại biểu đoàn Quảng Trị đề nghị, quy định các “lợi ích vật chất và lợi ích khác” để điều luật trọn vẹn hơn.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau). Ảnh: P.Thắng

Nhận định lấy phiếu tín nhiệm là “kênh” để rà soát quy hoạch, loại bỏ những cán bộ không được tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) băn khoăn khi phiếu tín nhiệm có 3 mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

“Ta quy định 3 mức, nói thế nào cũng hơi e dè. Tôi mong muốn chỉ 2 mức thôi: Tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Tín nhiệm thấp trên 50% thì xem xét bỏ phiếu tín nhiệm”, theo đề xuất của đại biểu Nguyễn Quốc Hận.

Cũng phát biểu tại tổ, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nói, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai “nấc” khác nhau.

Bà Thanh giải thích, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 50% đến dưới 2/3 đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp”. “Bỏ phiếu tín nhiệm bản chất là miễn nhiệm”, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Còn lấy phiếu tín nhiệm, nếu có từ 50% đến dưới 2/3 đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì khuyến khích từ chức. Nếu không từ chức, thì lúc đó mới chuyển sang bỏ phiếu tín nhiệm, theo bà Thanh.

Trước ý kiến e ngại có thể xảy ra trường hợp kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thấp, nhưng tới khi bỏ phiếu lại tín nhiệm cao, bà Thanh khẳng định, thực tiễn tổng kết 3 nhiệm kỳ vừa rồi từ HĐND xã đến Quốc hội “chưa bao giờ xảy ra”.

Đề cập đến các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm, Trưởng ban Công tác đại biểu cho hay chỉ có trường hợp khác với Quy định 96 của Bộ Chính trị là người “nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm”.

Theo bà Thanh, quá trình soạn thảo, xin ý kiến, các địa phương đưa ra tình huống “ốm đau mà nghỉ dài ngày thì có lấy phiếu tín nhiệm hay không?”

“Ban đầu, ban soạn thảo đưa ra thời gian 3 tháng, qua nhiều lần góp ý của các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, các chuyên gia, số đông nói rằng nên là 6 tháng, 3 tháng trong 1 năm và trong nửa nhiệm kỳ thì ngắn quá”, Trưởng ban Công tác đại biểu giải thích.

1. Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ, đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. 

2. Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.

(Theo Điều 3, Dự thảo Nghị quyết) 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm