Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tranh luận tách án người lớn và trẻ chưa thành niên

Hương Giang

Thứ sáu, 21/06/2024 - 17:49

(Thanh tra) - Trước lo ngại của đại biểu Quốc hội nếu tách vụ án có người bị buộc tội là người lớn và người chưa thành niên khiến chứng cứ không được thẩm định công khai, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trấn an, “không có băn khoăn gì chuyện không làm rõ”.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: P.Thắng

Tách vụ án hình sự hay không là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận khi thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên ngày 21/6.

Vụ án có kẻ chủ mưu là côn đồ, sẽ làm các em sợ

Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) bày tỏ đồng tình với quy định vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên phải tách vụ án hình sự với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập.

Nêu lý do, bà Thu cho hay, qua nghiên cứu bà thấy người chưa thành niên thường đồng phạm với vai trò giúp sức. Các em phạm tội thường do hoàn cảnh, do dụ dỗ, do nhận thức còn hạn chế, dễ bị kích động.

“Nếu phải chờ kết thúc điều tra, truy tố, xét xử cùng với người trưởng thành mà trong vụ án có nhiều người, nhiều hành vi, nhiều đối tượng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí có những đối tượng ở nước ngoài như các vụ án đánh bạc, lừa đảo qua mạng thì việc điều tra, giải quyết vụ án sẽ mất rất nhiều thời gian.

Các em sẽ mất đi cơ hội học tập, làm việc khi phải chờ giải quyết xong vụ án, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các em khi phải áp dụng biện pháp ngăn chặn của các cơ quan trong thời gian dài”, đại biểu Thu nói.

Thêm nữa, theo bà Thu, nếu tách vụ án, sẽ thực hiện được thủ tục tố tụng thân thiện; đảm bảo riêng tư của trẻ em; xác định sự thật khách quan của vụ án đúng đắn nhất.

Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh). Ảnh: P.Thắng

“Trong vụ án nếu kẻ chủ mưu cầm đầu là đối tượng nguy hiểm, côn đồ, lưu manh, chuyên nghiệp sẽ có những tác động tâm lý làm cho các em lo sợ, không dám khai đúng sự thật và có thể các em sẽ khai quanh co, gian dối, vì vậy rất khó để giải quyết vụ án khách quan”, bà Thu phân tích.

Chung quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nói, phải tách vụ án mới thực hiện được yêu cầu về tiêu chuẩn của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán khi giải quyết vụ án có người chưa thành niên phạm tội là “phải được đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học và khoa học giáo dục người chưa thành niên”.

Tranh luận: Tách sẽ khó “đánh giá toàn diện vụ án”

Bấm nút trách luận, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong mọi trường hợp có người chưa thành niên đều phải tách vụ án hình sự là “không hợp lý”.

“Tách vụ án hình sự sẽ dẫn đến khó khăn trong đánh giá toàn diện vụ án”, theo nhận định của đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh.

Cạnh đó, xác định chính xác vai trò của từng đối tượng trong vụ án cũng khó khăn. Ông Sang ví dụ một vụ án có 5 bị can phạm tội cướp giật, trong đó đối tượng vị thành niên cầm đầu. Nếu tách vụ án thì phải tách từ giai đoạn điều tra, nên tài liệu để xét xử bị cáo người chưa thành niên và các đối tượng khác sẽ rất khó khăn.

“Tôi cho rằng xét xử chung là cơ sở để hội đồng xét xử đánh giá toàn vụ án. Tất cả các tài liệu đều được thẩm tra công khai tại phiên tòa”, ông Sang nêu quan điểm, dự thảo quy định tách vụ án là không cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP Hồ Chí Minh) tranh luận. Ảnh: P.Thắng

Theo ông Sang, nên giao quyền ưu tiên cho các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng đối tượng để có các cơ sở tách hay không tách.

Trao đổi lại với đại biểu Sang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nói, tách hay không tách vụ án phụ thuộc vào các chính sách cụ thể quy định trong dự thảo luật như thế nào.

Theo bà Thủy, luật hiện hành quy định thời hạn tiến hành tố tụng của người lớn bằng trẻ em. Nhưng dự thảo luật quy định thời hạn tố tụng của trẻ em chỉ bằng một nửa người lớn.

“Với quy định chính sách mới như vậy, nếu vụ án có cả người lớn và trẻ em phạm tội mà không tách riêng trẻ em ra để giải quyết sẽ dẫn tới thời hạn tố tụng của trẻ em đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn, trong khi chưa thể kết thúc vụ án.

Khi đó có nguy cơ rất cao sẽ rơi vào một trong những trường hợp phải bồi thường theo Điều 35 Luật Bồi thường, đó là hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được bị can phạm tội”, bà Thủy nêu.

Vấn đề nữa, luật hiện hành không cho phép được trừ thời gian xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vào thời gian giải quyết vụ án. Điều này đã gây ra áp lực và e ngại rất lớn với cán bộ tố tụng về thời hạn. Vì vậy, dự thảo cho phép được trừ vào thời gian giải quyết vụ án.

Trong trường hợp này, theo bà Thủy, nếu không tách riêng vụ án của người chưa thành niên để giải quyết sẽ dẫn đến chiều ngược lại là thời hạn tố tụng của người lớn đã hết nhưng thời hạn tố tụng của trẻ em vẫn còn, trong khi chưa thể kết thúc vụ án và khi đó sẽ không biết giải quyết thế nào.

Không có gì băn khoăn về đánh giá chứng cứ

Dự thảo luật cũng bổ sung một nguyên tắc mới là “mọi thông tin của người chưa thành niên được bảo mật trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án”.

Nếu gộp chung cả người lớn và trẻ em để giải quyết trong cùng một vụ án, sẽ không bảo đảm nguyên tắc bí mật, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: P.Thắng

Bà Thủy còn nhấn mạnh, nếu không tách vụ án thì trẻ em sẽ phải tiếp cận và tiếp xúc với đối tượng mưu mô, thủ đoạn phạm tội của người lớn. Điều này không vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên, cũng như yêu cầu giáo dục, cải tạo các em. “Chúng tôi tán thành phải tách vụ án”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến.

Giải trình sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nếu không tách án sẽ vi phạm một loạt nguyên tắc nhân văn chúng ta đã đề ra ở dự thảo luật.

“Thời gian phải kéo dài; điều tra, truy tố, xét xử trong môi trường thân thiện không được thực hiện. Cán bộ điều tra, truy tố, xét xử được đào tạo hiểu biết về thanh thiếu niên thì không được thực hiện”, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Trước băn khoăn của đại biểu “các cháu có phải ra tòa lần thứ hai hay không với tư cách người làm chứng”, Chánh án TAND Tối cao khẳng định, “nhân chứng không phải lúc nào cũng ra tòa”.

Còn vụ việc có được thẩm định công khai tại phiên tòa hay không?, ông Bình nói, người chưa thành niên đã có một phiên tòa thì toàn bộ chứng cứ của quá trình điều tra đã được thẩm tra công khai.

“Bản án của phiên tòa với các cháu nếu có hiệu lực pháp luật mặc nhiên được sử dụng như tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa thứ hai, không nhất thiết các cháu phải ra tòa lần nữa. Không có băn khoăn gì chuyện không làm rõ”, theo lời Chánh án TAND Tối cao.

Về lo ngại “lọt tội”, Chánh án TAND Tối cao cho rằng nếu có việc này thì lỗi từ cơ quan điều tra, cơ quan truy tố.

“Quá trình xét xử có tội thứ tư thì tòa cũng không xử được. Tòa chỉ kiến nghị điều tra tội thứ tư cho nên không vì thế làm mất đi tội thứ tư. Việc tham gia hay không tham gia của các cháu cũng không làm ảnh hưởng đến việc kiến nghị của tòa án”, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm