Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: “Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu chai sạn với hình phạt phạm tội”

Hương Giang

Thứ bảy, 08/06/2024 - 14:34

(Thanh tra) - Nhấn mạnh nỗ lực của dự luật là cứu người chưa thành niên phạm ra khỏi trại giam, xử lý chuyển hướng bằng các biện pháp như cảnh cáo, xin lỗi… Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói, “nếu bị giam chung với người lớn thì không biết chuyện gì xảy ra. Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt phạm tội”.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Đ.X

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, sáng 8/6.

Chỉnh một chút hình phạt người lớn để áp cho trẻ em là không hiệu quả

Phát biểu tại tổ, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho hay Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Công ước này khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ASEAN chỉ còn 2 nước chưa có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

Hiện, Việt Nam có khoảng 10 đạo luật khác nhau đề cập đến tư pháp người chưa thành niên.

“Cách tiếp cận này cũng có ở nhiều quốc gia, nhưng người ta nhận thấy việc lấy hình phạt cho người lớn, quy trình tố tụng cho người lớn điều chỉnh một chút để áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả”, theo ông Bình.

Vì vậy, theo Chánh án TAND Tối cao, rất cần một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên để xử lý chuyên biệt, “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn”.

Ông cho hay thế giới quan niệm trẻ em chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm cuộc sống chưa có, kiến thức pháp luật chưa có, bộ não chưa hình thành một cách đầy đủ.

Về mặt hành vi, khả năng kiểm soát các hành vi của trẻ kém hơn người trưởng thành, thường bốc đồng, thậm chí có lúc manh động.

“Các cháu nhiều khi muốn thử nghiệm một hành vi nào đó, với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, có thể dẫn đến phạm tội. Ở lớp cãi nhau một cái, lấy gậy đánh nhau, các cháu không ý thức được mình đang phạm tội…”, người đứng đầu ngành tòa án nói.

Mặt khác, do kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội đối mặt với hệ thống tư pháp nặng nề như vậy, các cháu dễ bị tổn thương.

“Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả”

Nhấn mạnh “dự thảo luật được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên hợp quốc”, ông Bình nói, những chính sách nhân văn đã được thể hiện.

Như người chưa thành niên phạm tội không được tuyên tử hình, chung thân, mức án ít hơn nhiều so với người trưởng thành phạm cùng một tội danh, hay thời hạn điều tra với người chưa thành niên ngắn hơn so với người lớn.

“Có câu nói rất nổi tiếng: “Tư pháp chậm trễ là tư pháp bất công”. Đặt các cháu vào tình trạng kéo dài thời hạn điều tra 4 tháng, 4 tháng, lại 4 tháng như người lớn thì thực chất đã đặt các cháu vào tình trạng tâm lý rất căng thẳng”, ông Bình nói.

Ngoài ra, các cháu không được giam giữ như người lớn, phải có trại giam riêng.

“Trại giam toàn tội phạm, có tội phạm chuyên nghiệp. Vậy nên có khi lại đào tạo đứa trẻ đó trở nên chuyên nghiệp hơn”, ông Bình cho rằng, với người chưa thành niên phạm tội thì giáo dục là chính, chứ không phải trừng phạt là chính.

Cho nên, nỗ lực của dự luật luật là cứu người chưa thành niên ra khỏi trại giam, xử lý chuyển hướng bằng các biện pháp như cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập…

“Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả”, Chánh án nói thêm “nếu bị giam chung với người lớn thì không biết chuyện gì xảy ra. Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt phạm tội”.

Theo ông, chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. “Đừng có hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều thì tình hình tội phạm sẽ giảm”.

Hai vấn đề còn quan điểm khác nhau

Tại phiên thảo luận, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho hay quá trình thảo luận, có hai vấn đề Uỷ ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra) còn băn khoăn, có quan điểm trái với toà án.

Thứ nhất, về việc tách vụ án hình sự ra, Uỷ ban Tư pháp không đồng ý.

“Chúng tôi yêu cầu vụ án nếu có trẻ em thì phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và cho rằng, nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra với người chưa thành niên phải theo người lớn.

Chưa kể toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của các cháu phải công khai trong bản án cùng với người lớn. Trong khi trong đạo luật này quy định không được công khai hành vi phạm tội của người chưa thành niên.

“Thế giới cấm việc công khai hành vi phạm tội của các cháu vì người ta nghĩ đến phần đời còn lại rất dài của các cháu. Nếu bị công khai trên truyền thông, trên mạng, các cháu sẽ mặc cảm khi bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại của các cháu sẽ không tốt, rất mong manh”, Chánh án TAND Tối cao nói.

Người đứng đầu ngành Toà án cũng nói, trong luật đang cấm tiếp xúc giữa người phạm tội, nạn nhân, người làm chứng. “Tội phạm chuyên nghiệp ra tòa, chỉ cần trừng mắt là tâm lý các cháu bị ảnh hưởng, lời khai có thể không chính xác, có khi nhận tội thay vì sợ quá”, ông Bình nói.

Uỷ ban Tư pháp không đồng ý nội dung này, do quan ngại người chưa thành niên phải ra toà hai lần. Lần 1 ra toà với tư cách bị can trong vụ án, lần 2 ra toà với tư cách người làm chứng.

“Việc này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được”, theo ông Bình. Bởi, lời khai của người chưa thành niên ở phiên toà độc lập được xem như lời khai đã được thẩm định công khai, được sử dụng trước phiên toà với người lớn, nên không cần thiết phải ra toà lần nữa.

Chưa kể, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể lấy lời khai của người chưa thành niên trước và công bố tước toà. Công nghệ thông tin cho phép tổ chức phiên toà trực tuyến, người chưa thành niên không phải ra toà, không phải đối mặt với ai cả.

Nội dung khác, Uỷ ban Tư pháp ủng hộ nhưng báo cáo thẩm tra lại nêu nhiều về ý kiến không ủng hộ việc phải quy định trong dự luật này cả hình phạt và tố tụng.

Chánh án Nguyễn Hoà Bình đánh giá hệ thống hình phạt hiện nay với các cháu không hợp lý, rất bất cập, quá nặng với các cháu vị thành niên phạm tội.

“Các cháu phạm tội, ngay lập tức bắt tạm giam đưa vào trại, đó là câu chuyện hiện nay. Nhưng dự thảo cho phép bắt, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp tư pháp chuyển hướng, kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, không cho ra ngoài”, ông Bình cho rằng việc đánh nhau, ăn cắp vặt trong siêu thị…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam.

Chánh án TAND Tối cao mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ. “Hệ thống hiện hành đang có rất nhiều bất cập, cần phải được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm