Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 25/02/2025 - 13:44
(Thanh tra) - Chậm báo cáo về dự án tồn đọng của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp chậm báo cáo về các dự án tồn đọng được Thủ tướng nêu rõ khi phát biểu kết luận phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí, ngày 25/2.
Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo tập trung rà soát công việc và bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới, đặc biệt là xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.
Tiết kiệm, chống lãng phí phải như “cơm ăn, nước uống hàng ngày”
Theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng khích lệ.
Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật chung đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 233 để xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Nếu đưa được các dự án này vào khai thác, sử dụng sẽ giải phóng được một nguồn lực lên tới hàng chục tỷ USD.
Về tháo gỡ các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, TP theo Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170, qua đó tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các dự án tồn đọng, vướng mắc.
Cạnh đó, đã giải quyết tồn tại kéo dài với dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công thương trước đây.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh: N.Bắc
Khẳng định những nỗ lực là kịp thời, hiệu quả, đạt kết quả “cân đong đo đếm được”, nhưng Thủ tướng lưu ý, công tác phòng, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực.
Theo ông, còn tình trạng lãng phí thời gian, công sức, nguồn lực, đất đai, tài nguyên, tài sản công và tư, mua sắm công… như nhiều cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng quán triệt phải thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí tại thời điểm hiện nay trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, cả khu vực công và tư.
“Nhận thức phải đúng tầm, đúng mức, đúng điều kiện thực tiễn, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các chủ thể liên quan phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết.
Nhấn mạnh chính sách ban hành chưa hoặc không phù hợp cũng gây ra sự lãng phí rất lớn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…
Các quy định của luật phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hàng ngày", theo Thủ tướng.
Thủ tục theo đa số, chứ không phải vì thiểu số làm không tốt
Ngay từ cuối năm 2024, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 112 về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát và gần đây tiếp tục ban hành Công điện số 13 để đôn đốc.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, việc chậm trễ trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực.
Các đại biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh: N.Bắc
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP được yêu cầu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Trường hợp không thực hiện nghiêm túc, không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính mà gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Song song là tăng cường phân cấp, phân quyền nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cấp trên không làm thay cấp dưới, phân định trách nhiệm rõ ràng, đề cao trách nhiệm cá nhân, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của cả cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
“Đa số làm tốt thì quy trình, thủ tục phải theo đa số, chứ không phải vì thiểu số làm không tốt, vì một người làm không tốt mà thiết kế quy trình, thủ tục theo thiểu số làm không tốt đó”, Thủ tướng phát biểu; đồng thời yêu cầu thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành.
Nêu rõ phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, dám nghĩ dám làm, tự giác, tự lực, tự cường để phòng, chống lãng phí hiệu quả, theo Thủ tướng, mỗi bộ, ngành địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước tiến lên trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Bộ Tài chính được giao tổng hợp báo cáo Thủ tướng ban hành Kế hoạch công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo trước ngày 15/3/2025.
5 phương châm phòng, chống lãng phí
Theo Thủ tướng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí phải bám sát 5 phương châm sau:
Một là, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp.
Hai là, phòng, chống lãng phí không có giới hạn về không gian và thời gian; làm liên tục, không ngừng nghỉ; làm từ trên xuống dưới, làm từ trong ra ngoài; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, thẩm quyền của ai thì người đó làm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.
Ba là, phòng, chống lãng phí phải gắn kết với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, phòng, chống lãng phí phải gắn kết với sự phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Năm là, phòng, chống lãng phí phải gắn với 3 đột phá chiến lược; tháo gỡ vướng mắc thể chế, vướng mắc tại các dự án lớn, huy động nguồn lực trong nhân dân và xã hội.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 7/4/2025, Chính phủ có Nghị quyết số 74/NQ-CP ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Kế hoạch).
T. Minh
(Thanh tra) - Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 158/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ ba của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
T. Minh
Hương Giang
Hương Giang
Minh Nghĩa
Trung Hà
Trọng Tài
Đông Hà
Văn Thanh
Minh Nghĩa
Trần Kiên
Minh Tân
Trần Kiên
PV
Văn Thanh
Kim Thành
Minh Nghĩa
PV