Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 15/10/2019 - 07:00
(Thanh tra)- “Cử tri kiến nghị người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí nhạy cảm này”, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện cho hay.
Toàn cảnh phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/10. Ảnh HG
Ngày 14/10, tại phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7; Kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019.
Cần bố trí đúng cán bộ tại các vị trí “nhạy cảm”
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đến nay 2.201 kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 98,97%. Song, một số kiến nghị dù đã được các bộ, ngành tiếp thu, triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến chậm, nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.
“Hiện tượng tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật đã được cử tri phản ánh từ lâu. Ngoài ra, từ thực tế phát hiện sai phạm của một số thanh tra viên Bộ Xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông bị khởi tố, bắt tạm giam trong thời gian gần đây cho thấy, đây là một hiện tượng có thật tuy không phổ biến nhưng tác hại, hậu quả mà nó gây ra trong dư luận xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân”, bà Hải nói.
Vì vậy, cử tri kiến nghị người đứng đầu cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tập trung rà soát, thanh lọc đội ngũ cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo bố trí đúng cán bộ có năng lực, phẩm chất và đạo đức công tác tại các vị trí nhạy cảm này.
Còn theo ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dù phấn khởi, tin tưởng, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, cử tri, nhân dân vẫn thấy công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng một số nơi chuyển biến chưa mạnh, nhất là ở địa phương, cơ sở.
“Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao và các cơ quan hữu quan chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hạn chế hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức”, ông Hầu A Lềnh cho biết ý kiến của cử tri.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị, Đảng, Nhà nước tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm.
Người đứng đầu “lười” tiếp dân được khắc phục rõ nét
Tuy nhiên, các bản báo cáo của Ban Dân nguyện cũng đánh giá cao nỗ lực của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc trả lời, giải quyết kiến nghị, ý kiến của cử tri, làm giảm bức xúc xã hội.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh HG
Ví dụ, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 về ngăn chặn và xử lý nạn tham nhũng “vặt”, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra "tham nhũng vặt"; rà soát, chuyển đổi những vị trí công tác nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực; lắp đặt thiết bị công nghệ để giám sát công chức khi tiếp xúc với người dân; tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính…
Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh lập đường dây nóng (24/24) tiếp nhận phản ánh về hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của công chức; UBND TP Đà Nẵng lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình trực tuyến tại các điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân; Bộ Tài chính rà soát điều chuyển công tác 4.240 công chức hải quan và 1.200 công chức thuế…
Đáng chú ý, tình trạng “lười” tiếp dân của người đứng đầu đã được khắc phục rõ nét khi Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các địa phương tăng cường thanh tra trách nhiệm. “Tỷ lệ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đều tăng, hiện tượng ủy quyền tiếp dân giảm…”, Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Theo báo cáo của 55 tỉnh, TP, tỷ lệ bình quân Chủ tịch cấp tỉnh tiếp dân định kỳ đạt 67% so với quy định, tăng nhiều so với kỳ trước chỉ đạt 48%. Nhất là, Chủ tịch tỉnh một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Phước, Kiên Giang, Thái Bình… đã tiếp dân định kỳ đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ bình quân chủ tịch UBND cấp xã tiếp dân định kỳ cũng tăng từ 23% năm 2018 lên 51% trong năm 2019.
Tại một số địa phương còn xuất hiện mô hình tương tác, giao tiếp với người dân linh hoạt, hiệu quả dựa trên ứng dụng Zalo như dịch vụ “chat” giữa người dân và chính quyền tại Bắc Giang, Sở Xây dựng (Tây Ninh) đối thoại với dân về cấp phép xây dựng…
Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện công vụ đã được một số tỉnh thực hiện nghiêm túc và kiên quyết trong xử lý các vi phạm như Nghệ An, Hà Nội, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bắc Giang…
Người dân đề nghị sớm có quy định về taxi công nghệ Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng 14/10, bà Hải giơ bọc thư lên và cho biết trong đó chứa 1.650 bức thư tay của người dân gửi đến Ban Dân nguyện phản ánh về taxi công nghệ. The bà Hải, ngày 7/1/2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 24 về việc thí điểm taxi công nghệ tại 5 tỉnh, TP gồm, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Nhưng đến nay, Bộ vẫn chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của loại hình taxi này, dẫn đến xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi. Trong khi, trả lời nội dung này, Bộ GTVT cho biết Bộ đang "sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô", trong đó có liên quan đến taxi công nghệ. "Đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, kiến nghị Bộ GTVT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi trong năm 2019", Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, báo cáo của Uỷ ban Dân nguyện "rất sinh động". "Chị Hải đưa ra bọc thư kiến nghị của cử tri, điều đó cho thấy là thư của dân đã đến Quốc hội, để người dân yên tâm", bà Ngân nói. |
Có kiến nghị qua 2 kỳ họp chưa bộ nào nhận “trách nhiệm giải quyết” Tại kỳ họp thứ 6, cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị, nên bổ sung chế độ hỗ trợ cho hộ dân khi tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã. Theo Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) thì kiến nghị này thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính; Bộ Tài chính cho rằng, Bộ TN&MT có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai, nên kiến nghị nêu trên thuộc phạm vi trả lời của Bộ TN&MT. Do vậy, cử tri Bắc Kạn lại tiếp tục gửi kiến nghị đến kỳ họp thứ 7, kiến nghị nêu trên được Văn phòng Chính phủ chuyển Bộ TN&MT xem xét, nội dung trả lời của Bộ nêu “...cử tri liên hệ với Bộ Tài chính để được trả lời cụ thể”. “Như vậy, qua 2 kỳ họp Quốc hội, kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm giải quyết”, Trưởng ban Dân nguyện cho hay. |
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC