Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thầm lặng canh giấc ngủ cho Đại tướng

Thứ năm, 02/01/2014 - 07:43

(Thanh tra)- Đến Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, mới biết thế nào là vất vả, kiêu hãnh và vinh dự của các chiến sĩ biên phòng đang canh giấc ngủ của Đại tướng; mới nghe rằng, Vũng Chùa chưa lúc nào ngơi nghỉ với những dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc vẫn đến đây “thăm” Người...

Vũng Chùa - Đảo Yến nơi yên nghỉ của Đại tướng. Ảnh: Thảo Nguyên

Dù mưa hay nắng vẫn túc trực bên Người

Mỗi khi có đoàn đến viếng, chiến sĩ biên phòng ở ngay dưới chân đồi sẽ hướng dẫn đoàn đăng ký lịch, nhắc nhở mọi người không đặt tiền, đồ lễ… “Anh thông cảm, vào viếng Đại tướng phải ăn mặc chỉnh tề, không được phép mặc quần bò rách”, người lính trẻ nói với một thanh niên đang xếp hàng. 

Sau phút chốc ngập ngừng, anh này đành ở lại nhìn đoàn lên thắp hương trước phần mộ Đại tướng bằng ánh mắt tiếc nuối. “Tôi đi du lịch rồi vào viếng Đại tướng. Ngày mai nhất định tôi ăn mặc chỉnh tề và quay lại thắp hương cho Đại tướng. Về nhà tôi cũng nhắc mọi người để không gặp phải sự cố như mình”, người thanh niên chia sẻ. 

Trên đoạn đường dẫn lên khu mộ Đại tướng cũng có 2chiến sĩ biên phòng đứng trực hướng dẫn người dân lên xuống đúng đường. Tại vị trí sát ngay dưới chân phần mộ, 2 người lính làm nhiệm vụ thông báo người đến viếng xếp hàng, nhận hương. Còn phía bên trong kề cận mộ phần, 4 chiến sĩ đứng trang nghiêm giữa dòng người đổ về Vũng Chùa ngày một đông.

Nói về trọng trách bảo vệ khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội Bảo vệ, nói ngắn gọn: “Vất vả, nhưng vinh dự”. Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội Bảo vệ. Ảnh: Thảo Nguyên Khi chúng tôi đến, Vũng Chùa điện lưới chưa thể kéo được về. Lều bạt vẫn còn tạm bợ. Khu nhà được dùng làm nhà điều hành cũng đang chờ tu sửa. Mùa này, Vũng Chùa mưa, mưa liên hồi khiến cuộc sống của những cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ càng thêm vất vả. Thế nhưng, bất kể trời mưa hay nắng, đêm hay ngày, từng tốp áo xanh vẫn nghiêm trang, kính cẩn bên mộ vị tướng của nhân dân. “Dù thời tiết khắc nghiệt đến đâu, chúng tôi vẫn túc trực 24/24 giờ tại khu lăng mộ để đón khách đến thắp hương và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho giấc ngủ của Người”, Trung úy Hào khẳng định.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ khu lăng mộ, hướng dẫn người dân đến viếng Đại tướng, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây còn kiêm luôn nhiệm vụ giữ vệ sinh môi trường. Trung úy Hào bảo rằng, dù có khó khăn thật, nhưng đây là nhiệm vụ đặc biệt, nên tất cả cán bộ chiến sĩ đồng sức, đồng lòng bảo vệ giấc ngủ ngàn thu của Đại tướng. “Với cá nhân tôi, được canh giấc ngủ cho Người là một niềm vinh dự và tự hào. Khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, tôi có vinh dự được gặp Đại tướng 3 lần vào những dịp Đại tướng về thăm quê. Lúc đó, tôi thấy Đại tướng thật vĩ đại nhưng cũng thật bình dị, gần gũi. Rồi vào quân ngũ, rồi khi được biết Đại tướng an nghỉ tại đây, tôi không nghĩ mình được chọn làm Đội trưởng cùng 30 đồng đội chịu trách nhiệm canh giấc ngủ cho Đại tướng. Chúng tôi xin hứa trước vong linh của Đại tướng và nhân dân sẽ bảo vệ sự yên giấc của Đại tướng”, anh Hào bộc bạch.

Muôn nẻo hướng về Đại tướng

Gần 3 tháng qua, hơn 10 nghìn đoàn và hàng chục vạn người từ mọi miền đất nước đã đến Vũng Chùa viếng Đại tướng. Những chiến sĩ bảo vệ khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được chứng kiến hàng trăm câu chuyện xúc động “kể suốt ngày không hết”, nhất là những hình cụ bà tuổi cao sức yếu, đi không nổi nhưng vẫn gắng lên để được thắp hương cho Đại tướng.Được canh giấc ngủ cho Người là một niềm vinh dự và tự hào. Ảnh: Thảo Nguyên

“Nhiều chuyện cảm động đến chảy nước mắt. Ai đến đây cũng đều mang theo cái tâm và tấm lòng thành đối với Đại tướng. Mới đây, chúng tôi đón 1 cụ bà ở TP Cần Thơ ra viếng Đại tướng. Cụ 93 tuổi lặn lội chặng đường dài chỉ với mong muốn thắp nén hương trước vong linh của Đại tướng. Cụ bảo rằng, không thể sống để viếng Đại tướng lần thứ hai. Còn chút sức lực cuối cùng nên phải đi, đi cho bằng được, về có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng. Anh em chúng tôi phải hướng ánh mắt mình đi nơi khác để kìm nén xúc động khi thấy cụ khóc”, anh Hào vẫn còn nguyên cảm xúc khi nhớ lại.

Chị Nguyễn Việt Hà (35 tuổi, đến từ Hà Nội) chia sẻ: Ngày Đại tướng ra đi, tôi như bao người Việt Nam lặng thầm đứng xếp hàng tại 30 Hoàng Diệu để vào thắp nén hương tưởng nhớ Người với tâm trạng bàng hoàng, đau buồn. Trong chuyến công tác tại Quảng Bình, tôi lại muốn đến Vũng Chùa, lại muốn đến thăm Đại tướng. 

Những người dân xã Quảng Đông cũng tự hào và vẫn sẽ nhắc mãi về nơi được chọn là nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà dân thường trực cũng mở cửa đón người ở phương xa đến viếng Đại tướng. Tiền cơm, nước, hoa, hương… không nói thách, nói ép. “Giá không nói thách đâu em bởi đây là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an giấc ngàn thu”, một người dân quả quyết.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

Bắc Kạn: Đề xuất phương án hợp nhất 10 sở, ngành

(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Trung Hà

21:14 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm