Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tàu bay không người lái, khí cầu, mô hình bay sẽ bị chế áp khi bay chưa được phép

Hương Giang

Thứ tư, 27/11/2024 - 08:25

(Thanh tra) - Từ ngày 1/7/2025, tàu bay không người lái, khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian)… sẽ phải đăng ký trước khi sử dụng, nếu bay khi chưa được cấp phép bay sẽ bị chế áp bằng xung lực, hỏa lực hoặc biện pháp khác, theo Luật Phòng không nhân dân được Quốc hội thông qua.

Sáng 27/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân với 449/449 đại biểu có mặt tán thành. Luật quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không…

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: P.Thắng

Theo quy định của luật, tàu bay không người lái là phương tiện bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự điều khiển trực tiếp của người lái trên phương tiện bay đó.

Phương tiện bay khác, bao gồm: các loại khí cầu, mô hình bay, dù bay, diều bay (trừ diều bay dân gian) và thiết bị bay khác có người điều khiển hoặc không có người điều khiển mà không phải là tàu bay, tàu bay không người lái.

Máy bay không người lái, khí cầu, mô hình bay phải đăng ký trước khi sử dụng

Tại Điều 29 luật quy định, tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phải được đăng ký trước khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Để được đăng ký, tài bay không người lái, phương tiện bay khác phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc công nhận; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác nhập khẩu, ngoài điều kiện quy định trên, còn phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Cơ quan Công an đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, trừ trường hợp thẩm quyền đăng ký do Bộ Quốc phòng quản lý thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Việc cấp phép bay phải phù hợp với thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, khả năng quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay và bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không và lợi ích công cộng, theo quy định tại Điều 30.

Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay.

Bộ Công an cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác của Bộ Công an và thông báo đến Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý. Trường hợp cấp phép bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay quân sự thì phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng.

Luật cũng quy định trường hợp Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an cấp phép bay trong khu vực cảng hàng không, sân bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay dân dụng, phải được sự đồng ý của Bộ Giao thông Vận tải.

Có 5 trường hợp chế áp tàu bay không người lái, khí cầu, mô hình bay

Nội dung về đình chỉ bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác được quy định trong Điều 33 của Luật.

Theo đó, việc đình chỉ bay được thực hiện trong các trường hợp bay không đúng nội dung được cấp phép bay; vì lý do quốc phòng, an ninh và an toàn bay; người điều khiển không đủ điều kiện bay; tàu bay không người lái, phương tiện bay khác chưa đăng ký hoặc không đúng theo đăng ký.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: P.Thắng

Còn Điều 34 quy định việc chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác.

Có 5 trường hợp chế áp, tạm giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay khác được quy định trong luật gồm:

- Bay khi chưa được cấp phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay khi chưa được phép; không tuân thủ yêu cầu đình chỉ bay

- Xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay dân dụng, tàu bay quân sự;

- Sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác;

- Sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác mang theo thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, các chất cấm, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật.

- Trường hợp đặc biệt khác khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.

Chế áp là việc sử dụng xung lực, hỏa lực hoặc biện pháp khác để làm cho quá trình hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác bị gián đoạn, vô hiệu hoá từng chức năng hoặc mất hoàn toàn khả năng hoạt động.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết có ý kiến đề nghị quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đình chỉ bay để tránh tùy nghi, chồng chéo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, việc đình chỉ chuyến bay được thực hiện theo quy định về phân cấp chỉ huy, quản lý trong Bộ Quốc phòng (theo trình tự thẩm quyền đình chỉ từ trên xuống dưới); Bộ Công an và các đơn vị Công an có quyền đình chỉ bay.

Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc nhằm đảm bảo yêu cầu xử lý kịp thời đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác vi phạm, về trình tự cụ thể sẽ do Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm tính chặt chẽ, không mang tính tùy nghi, không chồng chéo về thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp.

Luật gồm 7 chương, 47 điều và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm