Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sửa Luật BHYT: Tự đi khám chữa bệnh có thể được thanh toán 50% chi phí

Hương Giang

Thứ năm, 24/10/2024 - 13:29

(Thanh tra) - Dự thảo luật quy định người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự đi khám chữa bệnh sẽ được thanh toán 50% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng. Tuy nhiên, Chính phủ cho hay, tăng tỷ lệ thanh toán có nguy cơ gây quá tải ở tuyến trên, tăng chi phí từ Quỹ BHYT.

Sáng 24/10, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ở hội trường, theo chương trình nghị sự kỳ họp 8. Một trong những điểm mới đáng chú ý, dự thảo luật quy định người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh có thể được thanh toán 50% chi phí.

Dẫn giảm chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói, việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc mang tính chấp bách sau 15 thực hiện luật hiện hành.

Dự thảo luật được xây dựng cũng hướng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của luật.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay việc tăng tỷ lệ thanh toán khi người tham gia BHYT tự đi khám chữa bệnh có nguy cơ gây quá tải ở tuyến trên, tăng chi phí từ Quỹ BHYT. Ảnh: P.T

Một trong những điểm mới của dự thảo luật quy định là về đăng ký khạm bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến.

Tại tờ trình, Chín phủ cho hay, luật hiện hành quy định việc đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh BHYT ban đầu theo địa giới hành chính là phù hợp, nhưng chưa tạo điều kiện thuận tiện cho người dân.

Với sửa đổi lần này, Chính phủ trình sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và thông tuyến được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Đáng chú ý, dự thảo bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo quy định mở rộng tỷ lệ hưởng BHYT.

Theo đó, quy định mang tính chất “thông tuyến” tỉnh toàn quốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản (trừ các cơ sở trước ngày 01/01/2025 đang được phân tuyến huyện) và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu mà trước ngày 01/01/2025 được phân ở cấp tỉnh thì từ ngày 01/07/2026 sẽ được thanh toán 50% chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi quyền lợi (hiện là 0%).

“Tuy nhiên, qua đánh giá tác động, việc tăng tỷ lệ thanh toán có nguy cơ phát sinh khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến hệ thống y tế cơ sở, gây quá tải ở tuyến trên, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tăng chi phí từ Quỹ BHYT ước tính chưa đầy đủ là khoảng hơn 1.131 tỷ đồng mỗi năm”, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo.

 Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội ghi nhận dự thảo luật đã mở rộng thêm một bước quyền lợi của người tham gia BHYT khi "thông cấp khám bệnh, chữa bệnh”.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT. Ảnh: P.Thắng

“Tuy nhiên, cần đánh giá tác động thêm đến khả năng cân đối quỹ BHYT cũng như tổ chức, hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở để đưa ra biện pháp bảo đảm thực hiện phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.

Dự thảo luật quy định người bệnh được tự đến cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú.

Ủy ban Xã hội thấy rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc việc cho phép thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh với bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao do phạm vi bệnh cần phẫu thuật và kỹ thuật cao tương đối rộng.

Đồng thời, cần quy định mang tính nguyên tắc về 2 nội dung này để Bộ trưởng Y tế có thể ban hành danh mục một cách minh bạch và bảo đảm khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Theo cơ quan thẩm tra, khi thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh như dự thảo Luật có thể làm tăng chi từ quỹ BHYT cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định các giải pháp để tiết kiệm, tránh lãng phí, như thực hiện hiệu quả việc liên thông kết quả xét nghiệm cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh; hạn chế việc giữ bệnh nhân các ngày thứ bảy, chủ nhật đến thứ hai mới làm thủ tục ra viện; tăng cường hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý sức khỏe nhân dân tại cấp ban đầu.

Về quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu, theo bà Thúy Anh, Ủy ban Xã hội đề nghị giữ tinh thần của luật hiện hành.

Quy định như vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm mọi người dân được khám chữa bệnh, quản lý sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp ban đầu và một số là cấp cơ bản gần nơi sinh sống, làm việc.

Cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định nguyên tắc, tiêu chí đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu với một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặc thù và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ thẻ BHYT để loại bỏ nguy cơ lạm dụng chính sách, tạo cơ chế xin - cho và tăng cường hoạt động của y tế cơ sở.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm