Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ hai, 09/12/2019 - 08:39

(Thanh tra) - Ngày 8/12, Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hồ Chí Minh khoá IX, thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và nhiệm vụ giải pháp năm 2020.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy phát biểu ý kiến thảo luận. Ảnh: TL

Kinh tế tăng trưởng bền vững

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế của TP trong năm 2019, nhất là có những chỉ tiêu tăng cao hơn cùng kỳ năm 2018. Các đại biểu cũng đề nghị cần có những giải pháp để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy (quận Thủ Đức) phân tích: Theo đánh giá tình hình tăng trưởng kinh tế TP trong năm 2019 và giai đoạn 2016 - 2019 có sự tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp của TP chiếm 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nếu đánh giá vào sự tăng trưởng của 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm cơ khí, chế tạo điện tử, cao su - hóa chất - nhựa, chế biến lương thực thực phẩm đang có tăng trưởng chậm so với cùng kỳ. Do đó, cần đánh giá lại xem đâu là ngành công nghiệp TP thực sự tập trung trong thời gian tới, có cần phải điều chỉnh lại các ngành công nghiệp hay không và cần phát huy danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho hay, hộ kinh doanh cá thể phát triển lên doanh nghiệp có chiều hướng tăng. Ảnh: TL

Chẳng hạn như ngành Da giày không mãi chỉ cung cấp các loại nguyên liệu mà phải tiến tới ngành công nghiệp thời trang; hay ngành chế biến lương thực, thực phẩm, TP phải trở thành trung tâm chế biến lượng thực, thực phẩm chất lượng cao cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phải hướng đến mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu đóng góp vào doanh thu từ ngành này.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cũng cho rằng: Một tín hiệu tốt của kinh tế TP thời gian qua là ngành dịch vụ. Năm 2019, ngành Dịch vụ đóng góp vào tăng trưởng GRDP là 60,42%, trong đó có 3 lĩnh vực đang có ưu thế là khoa học - công nghệ, y tế, ăn uống và du lịch…

Đại biểu Thúy khuyến nghị khi tín hiệu thị trường đã có, TP cần tập trung đầu tư một cách thích đáng hơn cho các ngành dịch vụ. Trong đó, cần tập trung đầu tư quỹ đất cho dịch vụ; cần rà soát lại giá trị sản xuất công nghiệp và các ngành công nghiệp chủ lực, tập trung vào một số ngành dịch vụ, đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của các doanh nghiệp (DN).

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: TL

Cũng theo Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, việc thành lập DN mới không đạt không phải là vấn đề quá quan trọng mà phải tạo ra phong trào để DN khởi nghiệp mạnh dạn, chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN có thực chất.

TP cần học tập mô hình khu công nghiệp thông minh mà hiện nay trên thế giới đang áp dụng với cơ sở hạ tầng, nhà xưởng có sẵn để giúp DN vừa và nhỏ mạnh dạn đăng ký thành lập DN trong sản xuất công nghiệp giúp họ lớn mạnh dần…

Hộ kinh doanh phát triển lên DN tăng

Giải trình làm rõ các nội dung đại biểu đặt ra liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Về số lượng DN thành lập năm 2019, theo dự kiến là 46.200 DN nhưng chỉ đạt 44.402 DN.

Số DN không đạt chủ yếu do hộ kinh doanh chuyển sang. Tuy chỉ tiêu số lượng thành lập DN không đạt so với chỉ tiêu đề ra, nhưng các chỉ tiêu cho thấy DN TP vẫn ngày càng giữ vững và phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng của TP. Số doanh ghiệp thành lập không đạt nhưng hộ kinh doanh cá thể suốt từ 2017-2019 phát triển lên DN có chiều hướng tăng.

Trong năm 2019, số DN có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng đạt con số hơn 715 DN, số vốn điều lệ hơn 400.000 tỷ đồng chiếm 70% trong tổng số DN thành lập mới trên địa bàn. Số DN tạm ngưng hoạt động quay trở lại hoạt động cũng tăng so với năm 2018 trên 24%.

Theo ông Lê Hòa Bình, trong quản lý chung cư, trách nhiệm chính là ban quản trị chung cư. Ảnh: TL

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Trong năm 2019, đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài thì 3 ngành chủ yếu mà DN góp vốn nhiều nhất là chế biến chế tạo (chiếm 40% số vốn), hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm khoảng 20%), hoạt động khoa học - công nghệ (chiếm 14,53%).

Số lượng DN trong nước về cơ cấu ngành nghề thì ngành thương mại, buôn bán chiếm 32%, với số vốn đăng ký là 152.000 tỷ đồng, tiếp đến ngành xây dựng, chế biến chế tạo. Đặc biệt, trong 13 ngành kinh doanh chính có số lượng DN thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 có 3 ngành là sản xuất cung ứng điện, nước, dịch vụ, vận tải kho bãi logistics.

Liên quan đến việc quản lý các dự án chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình thông tin: Vừa rồi, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư thay Thông tư 02 về hướng dẫn về quản lý vận hành nhà chung cư. Thông tư 06 có nhiều điểm mới và Sở sẽ thực hiện một số bước để tìm cách quản lý được các nhà chung cư, tránh khiếu nại, khiếu kiện nhiều hơn.

Theo ông Lê Hòa Bình, về giải pháp cụ thể trong quản lý chung cư, trách nhiệm chính là ban quản trị chung cư, tiếp đến là chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm suốt vòng đời dự án chung cư. Sau đó các quận, huyện, phường, xã phải tham gia quá trình kiểm tra giám sát.

Thiên Lý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm