Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm sự đồng thuận của người dân

Thứ năm, 09/08/2018 - 19:52

(Thanh tra)- Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: PA

Cả nước hiện có 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,4%) và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,5%) chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, quá trình sắp xếp, thu gọn cần tạo điều kiện không thu tiền khi tiến hành thay đổi về giấy tờ, hộ tịch khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cho nhân dân. Về lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021, tại Hội nghị, Bộ Nội vụ xin ý kiến các đại biểu về một số vấn đề như việc sắp xếp các đơn vị hành chính chỉ tiến hành một lần, bảo đảm giữ ổn định hay thực hiện nhiều lần theo 2 giai đoạn như mục tiêu đề ra cho đến khi các đơn vị hành chính bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định? Hay lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã như dự thảo Đề án có khả thi hay không, phấn đấu sắp xếp trước thềm Đại hội Đảng cấp xã, cấp huyện hay sau Đại hội vẫn có thể thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính.

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng, quá trình tổ chức sáp nhập, một vấn đề rất thách thức là sắp xếp cán bộ. Theo ông Lê Đình Sơn, hiện ở Hà Tĩnh chỉ có 1 thị xã không bảo đảm cả hai tiêu chí về dân số và diện tích tự nhiên. Vì vậy,tỉnh kiến nghị từ nay đếnnăm 2021 chưa tiến hành nhập cấp huyện mà chỉ tập trung cấp xã trước.

Đại diện Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng cho rằng, việc sáp nhập dù chỉ làm thay đổi một địa chỉ số nhà cũng dẫn đến thay đổi nhiều giấy tờ hộ tịch. Về công tác cán bộ, Thứ trưởng Dũng cho biết, đây là  vấn đề lớn mà nhiều địa phương trăn trở. Vì vậy, theo vị đại diên Bộ Tư pháp, cần có nghị định riêng của Chính phủ về chế độ chính sách áp dụng cho trường hợp này. Chưa kể ngoài địa phương thì có cả ngành dọc như thuế, hải quan, thi hành án. Đặc biệt, cần có chính sách thống nhất, mỗi địa phương có cách khác nhau thì lại khó.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, hiện có rất nhiều đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trong điều kiện cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tổ chức hành chính Nhà nước, Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18 về một số vấn đề mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đơn vị hành chính hình thành từ nhiều yếu tố, do đó, cần xem xét các yếu tố khác để tránh ảnh hưởng phát triển kinh tế, trật tự an ninh và khối đại đoàn kết. Việc sáp nhập tuỳ theo điều kiện và đặc thù riêng của địa phương chứ không phải cơ học, máy móc. Đặc biệt, quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính phải bảo đảm sự đồng thuận của người dân trên địa bàn.

“Quan điểm chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế nhưng phải đảm bảo kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi quản lý Nhà nước nhưng bảo đảm an ninh chính trị. Do đó, Bộ Nội vụ xem xét bổ sung thêm tiêu chí cho phù hợp, không máy móc. 16 huyện và 637 xã không đủ 2 tiêu chí chỉ mới là con số thống kê, còn khi xây dựng và thực hiện đề án, khi tính toán kỹ thì con số có thể khác”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm