Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Rất khó hiểu khi phải có 1m2 đất ở trong diện tích dự án nhà ở thương mại mới được làm”

Hương Giang

Thứ hai, 15/01/2024 - 14:36

(Thanh tra) - Quy định người đang có quyền sử dụng đất, chỉ được làm dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) là nội dung khiến nhiều đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

Sáng ngày 15/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phân biệt là “không cần thiết”

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình ra Quốc hội tại kỳ họp này chỉnh sửa quy định về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Theo đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.

Trường hợp đang có quyền sử dụng đất, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).

“Quy định này đặt ra một hạn chế rất khó hiểu là phải có 1m2 đất ở trong diện tích dự án thì mới được làm, còn nếu không có m2 nào thì không được”, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu ý kiến.

Cho rằng phân biệt giữa hai trường hợp là “không cần thiết, không mang lại lợi ích công cộng nào”, ông Đồng đề nghị bỏ quy định trên để tạo cung nhà ở, giảm giá nhà.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, cần bổ sung thêm trường hợp đất khác nếu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Bà kiến nghị Quốc hội xem xét kỹ và biểu quyết riêng điều khoản này hoặc giao cho Chính phủ thí điểm thực hiện trong 5 năm rồi tổng kết, báo cáo Quốc hội.

Nêu lý do, theo bà Xuân, trước đây Nhà nước kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, vận động người dân làm ăn, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Nhiều người dân, doanh nghiệp muốn kinh doanh đã bàn giao nhiều loại đất khác nhau của mình cho Nhà nước, trong đó có cả đất ở, để được thuê lại đất sản xuất, kinh doanh.

“Đến nay, khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, muốn cải tạo, chỉnh trang đô thị cần có cơ chế ưu tiên cho họ được cơ hội tiếp tục đầu tư, phát triển trên chính mảnh đất mà họ đã giữ gìn, sản xuất, kinh doanh qua nhiều thế hệ”, bà Xuân nói, Nhà nước có đủ cơ sở xác định rõ nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp.

Lý do nữa, bà Xuân nhận định, nhiều địa phương sẽ không đủ nguồn lực để đền bù, giải tỏa cho doanh nghiệp. Bởi theo dự luật, doanh nghiệp đang có quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh sẽ không được ưu tiên chuyển đổi mục đích sang đất đô thị, đất ở đô thị, đất thương mại dịch vụ, nên cách duy nhất là Nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù và thu hồi đất.

Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

“Con số này, chỉ tính riêng gần 3.000 doanh nghiệp ở Bình Dương, có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Cả Nhà nước và doanh nghiệp đều thiệt hại, không thể chủ động và buộc chỉ còn cách phải chờ đợi, mà chờ đợi càng lâu, sẽ mất đi nhiều cơ hội phát triển”, theo lời bà Xuân.

Ngoài ra, nữ đại biểu kiến nghị sớm sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế, tài chính để điều tiết hài hòa lợi ích từ việc cho chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại cho 3 nhóm đối tượng là: người đang sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước.

Việc này để Nhà nước phân phối lại lợi ích tương xứng cho chính người sử dụng đất đó và đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đưa giá trên hợp đồng chuyển nhượng đất về giá thật

Dự thảo luật quy định quy định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất.

Nhận xét quy định này “rất tiến bộ”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói, người dân sẽ không có động lực để kê khai thấp giá chuyển nhượng đất để giảm thuế.

“Hệ quả, giá trên hợp đồng sẽ là giá thật. Nhà nước dựa vào giá trên hợp đồng để xây dựng bảng giá cho các năm sau thì giá sẽ sát thực tế”, ông Hà Sỹ Đồng phân tích.

Đại biểu băn khoăn khi dự thảo luật chia 2 trường hợp: Chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi trên thực tế, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất khá phổ biến.

Từ đó, ông Đồng đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn theo hướng: Với hợp đồng chuyển nhượng bất động sản chỉ có quyền sử dụng đất thì áp dụng bảng giá. Còn với hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì cho phép các bên tách riêng phần giá trị quyền sử dụng đất và phần giá trị tài sản trên đất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: P.Thắng

Quan tâm đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) thấy, dự thảo luật quy định đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Cường, phương án hỗ trợ tạo việc làm tốt nhất, bền vững nhất không phải là đưa tiền cho người dân mà phải tạo sinh kế. Do vậy, ông Cường cho rằng, nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất kinh doanh thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bố trí quỹ đất phù hợp để tạo lập mặt bằng mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu thu hồi đất nông nghiệp mà người dân không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp làm trong khu công nghiệp thì phải dành quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân.

“Trong quy định về thu hồi đất phải có quy định thu hồi đất để tạo việc làm, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh. Tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 21 điều 79 thêm một nội dung là, thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi”, đại biểu đoàn Hà Nội góp ý.

Theo chương trình kỳ họp bất thường, Quốc hội sẽ xem xét biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng ngày 18/1.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm