Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 03/11/2021 - 16:25
(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững, trong đó “ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đ.Tuân
Ngày 3/11, Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong 6 quy hoạch vùng của cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, có động lực tăng trưởng lớn.
Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho vùng để khai thác tối đa tiềm năng phát triển.
Làm tốt, đến năm 2025 sẽ có 300km cao tốc trong vùng
Tại hội nghị, các địa phương cơ bản nhất trí với quy hoạch.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được, một trong những điểm nghẽn lớn nhất với vùng là hạ tầng giao thông, hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ đó, ông đề nghị tập trung đầu tư cho các công trình giao thông liên vùng.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho hay, thời gian qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có rất nhiều sáng kiến để liên kết với nhau nhưng chủ yếu là các sáng kiến nhỏ lẻ.
Việc có bản đồ án quy hoạch chung tích hợp các ngành, đồng thời cũng là tích hợp của 13 tỉnh, TP vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chấm dứt tình trạng “mạnh địa phương nào, làm địa phương đó”.
Ông Mạnh đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm cập nhật các quy hoạch mới được phê duyệt như đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải.
Từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, các địa phương cũng đề xuất đầu tư xây dựng nhiều hồ thủy lợi, tích trữ nước ngọt.
Giải đáp ý kiến của các địa phương, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, bên cạnh triển khai 7 tuyến quốc lộ thì ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án như: cao tốc TP HCM đến Cà Mau; cao tốc An Hữu - TP Cao Lãnh - cầu Vàng Cống - Rạch Giá; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề...
“Nếu làm tốt, đến năm 2025, chúng ta sẽ có 300km đường cao tốc trong vùng”, ông Thể nói.
Bộ Giao thông Vận tải cũng ủng hộ phát triển mạnh cảng quốc tế Long An; xây dựng cảng tổng hợp Trà Vinh duyên hải… Ngoài ra, sẽ nâng cấp Cảng Hàng không Cần Thơ, mở rộng Sân bay Quốc tế Phú Quốc...
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin, bộ đã có nhiều dự án nạo vét, mở kênh lớn để trữ nước ngọt, trong đó có dự án cải tạo kênh, trục chính dẫn nước ngọt từ sông Hậu đến bán đảo Cà Mau.
Ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, quy hoạch là công cụ quan trọng hàng đầu để định hướng, dẫn dắt đầu tư phát triển. Ông cũng lưu ý, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng.
Hiện nay 4 quy hoạch quốc gia của ngành Giao thông vận tải (gồm quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường thủy) đã được ban hành, còn quy hoạch hàng không đang trong quá trình phê duyệt.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia này vào quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Muốn phát triển được vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì việc đầu tiên mà các địa phương cần tập trung thực hiện là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Điều này cũng giúp tăng cường liên kết vùng, phát huy vai trò, thế mạnh của vùng”, Phó Thủ tướng nói.
Sau khi có quy hoạch, các địa phương chủ động lên kế hoạch, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án.
Theo Phó Thủ tướng, các địa phương cần tập trung huy động nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
“Muốn huy động doanh nghiệp vào thì phải trên cơ sở đã có quy hoạch. Chúng ta mời họ vào khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư các hình thức như PPP”.
Để triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt với các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chương trình, dự án cụ thể.
Các địa phương quan tâm hơn nữa đến các dự án đã được đưa vào danh mục trong quy hoạch vùng; nỗ lực triển khai nhanh thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, phải tập trung quản lý tổng hợp tài nguyên nước dựa trên đánh giá tác động và khả năng đáp ứng của nguồn nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ, cần xác lập nguyên tắc tổng thể về việc vận hành các hệ thống hạ tầng liên quan đến nước để đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế tối thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động phát triển lên môi trường, hệ sinh thái tự nhiên của vùng.
Sau cuộc họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, tài liệu để trình Hội đồng Thẩm định xem xét, tổ chức thẩm định trong tháng 11/2021; phê duyệt trong tháng 12/2021.
Theo Dự thảo Quy hoạch, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó, môi trường và xã hội là nền tảng.
Phát triển kết cấu hạ tầng được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng để hướng tới những mục tiêu phát triển nói trên. Đặc biệt quan trọng là các hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.
Cũng theo dự thảo, giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức trung bình cả nước khoảng 7%/năm. Đến năm 2030, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP khoảng 20%; công nghiệp, xây dựng đạt khoảng 32%; dịch vụ là 46%.
Kinh tế nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng kinh tế sinh học toàn diện với ba trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà