Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quy hoạch để sử dụng hiệu quả các nguồn lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Điểm

Thứ hai, 23/11/2020 - 22:01

(Thanh tra)- Chiều 23/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức họp báo về Hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh: TH

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, tuy là một trong số các đồng bằng trù phú nhưng có thể nói chưa bao giờ ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bao gồm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL, là rất cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển thực hiện quy hoạch.

"Hiện nay 13/13 tỉnh, TP trong vùng ĐBSCL đã có nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Vì vậy, việc lấy ý kiến về quy hoạch vùng cũng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch trong bối cảnh các quy hoạch đang được triển khai lập đồng thời", ông Trần Quốc Phương cho hay.

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, còn có 6 điểm chưa được thống nhất trong quy hoạch vùng ĐBSCL.

6 vấn đề đó bao gồm: Việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL; phương án phân tiểu vùng; về việc giảm đất trồng lúa; về phát triển thủy sản; về các trung tâm đầu mối; về định hướng phát triển đô thị.

Đơn cử, về phát triển thủy sản, đây được coi là trọng tâm mới của nông nghiệp ở vùng ĐBSCL, nhưng rủi ro rất lớn do ô nhiễm và đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn nếu muốn đảm bảo kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp hạ tầng nước phục vụ thuỷ sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô.

Thay cho việc đề cao thủy sản, định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ tới chú trọng phát triển lĩnh vực rau, hoa màu, trái cây và chăn nuôi, xem đây là những lĩnh vực có là tiềm năng lớn do đa dạng về sản phẩm, công nghệ, nuôi trồng, chế biến và ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn, đặc biệt là tài nguyên đất và nước.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều địa phương trong vùng vẫn đang muốn phát triển thủy sản.

Bên cạnh đó, về phương án phân tiểu vùng, một trong những điểm mới trong dự thảo quy hoạch vùng ĐBSCL là phương án phân tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.

Thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo dự thảo quy hoạch mới đã được điểu chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 120 - Biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, một số địa phương còn chưa hoàn toàn thống nhất với định hướng chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở một số khu vực đang trồng lúa sang các mô hình sinh kế khác phù hợp hơn với điều kiện hạn mặn gia tăng do thói quen, tập quán về trồng lúa của người dân đã tồn tại ổn định trong thời gian dài.

Bộ KH&ĐT cũng cho biết, liên quan đến vấn đề này, nhiều hệ thống nhân tạo, công trình thủy lợi lớn hiện hữu có thể phải từng bước chuyển đổi công năng hoặc dỡ bỏ để phù hợp với định hướng phân tiểu vùng mới.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm