Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 09/11/2023 - 14:34
(Thanh tra) - Thông qua nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội chiều ngày 9/11, Quốc hội “chốt” tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%. Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện đề án về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trong 2024.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết. Ảnh: P.Thắng
Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, một số ý kiến đại biểu cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%.
Giải trình vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, GDP 2023 dự kiến đạt trên 5%. Mức tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5% được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
“Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội.
Cũng theo nghị quyết, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP và tốc độ tăng năng suất lao động 2024 lần lượt là 24,1-24,2% và 4,8-5,3%. Mức này thấp hơn kế hoạch năm 2023 (25,4 - 25,8% và 5-6%). Các ý kiến đại biểu trước đó đề nghị giữ kế hoạch năm 2024 ở mức bằng năm 2023.
Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, các chỉ tiêu này phụ thuộc vào quy mô GDP, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động đang hoạt động trong nền kinh tế. Năm 2024, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng 6-6,5%, quy mô lao động khoảng 51,8 triệu lao động và tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng 7,83%.
Trong năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục phức tạp, khó lường, sẽ ảnh hưởng tới công nghiệp chế biến, chế tạo do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng.
Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ kéo theo chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm. “Một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi”, ông Thanh nêu.
Từ cơ sở này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đưa ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lao động năm 2024 là phù hợp.
Tiếp tục giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng
Để đạt các chỉ tiêu, Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) tiếp tục đẩy mạnh; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng.
“Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng”, nghị quyết nêu rõ.
Về tài chính công, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép.
Chính phủ nghiên cứu tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, cơ cấu lại nợ; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Quốc hội lưu ý, phải kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, không để tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Liên quan đến hạ tầng chiến lược, Quốc hội yêu cầu, tập trung tháo gỡ khó khăn, có giải pháp đồng bộ bảo đảm vật liệu san lấp, nhất là các công trình trọng điểm ngành giao thông.
Các dự án đường bộ cao tốc phải thúc đẩy tiến độ đầu tư, bảo đảm chất lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025.
Đáng chú ý, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông - Tây; nghiên cứu hoàn thiện đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Xây dựng khung pháp lý để triển khai cải cách tiền lương từ 1/7/2024
Giải pháp nữa là chú trọng phát triển nguồn nhân lực, Quốc hội giao thực hiện các giải pháp đột phá phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực mới nổi.
“Tập trung đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành nghiên cứu và sản xuất chip bán dẫn đến năm 2025 và năm 2030”, theo nghị quyết.
Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ 01/7/2024.
Khẩn trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Chính phủ cũng cần sớm rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Về tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, Quốc hội yêu cầu phải khắc phục. “Khen thưởng, kỷ luật kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay ở cấp cơ sở”.
15 chỉ tiêu chủ yếu 2024
1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6 - 6,5%.
2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).
3. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2%.
4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 - 4,5%.
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%.
6. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.
7. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.
8. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
9. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
12. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
13. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
14. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
15. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12/2024, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ chương trình và tiến hành phiên bế mạc.
(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Trung Hà
20:45 11/12/2024Trung Hà
20:43 11/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên