Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cán bộ nhận thức “không làm thì không sai” là “tự diễn biến”, phải xóa bỏ

Hương Giang

Thứ hai, 06/11/2023 - 06:00

(Thanh tra) - Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng nhận thức “không làm thì không sai”; “đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” là “tự diễn biến”, phải xóa bỏ. Bà cũng nêu nhiều giải pháp để đẩy lùi tâm lý sợ sai, thiếu trách nhiệm, không dám làm khi thực thi công vụ của cán bộ.

Quốc hội dành 2,5 ngày (từ ngày 6 đến sáng 8/11) tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp 6, Quốc hội dành 2,5 ngày (từ ngày 6 đến sáng 8/11) tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn. Do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, nên Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, mà theo nhóm lĩnh vực.

Phiên chất vấn tiến hành theo 4 nhóm, gồm lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội chính - kiểm toán Nhà nước.

Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực chất vấn khoảng 160-170 phút, nhưng khi điều hành sẽ linh hoạt theo diễn biến thực tế.

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đề cập nhiều là tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để “né” trách nhiệm

Báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm là thực trạng xảy ra ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.

“Biểu hiện phổ biến là né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chậm trễ giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; đẩy việc; hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm”, bộ trưởng cho hay.

Tình trạng này xảy ra trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ trong: Đầu tư công, đấu thầu, quản lý đất đai, y tế, xây dựng, giải quyết thủ tục đầu tư, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công cho người dân…

Điều này dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng này, theo bà Trà, Thủ tướng đã ban hành 4 công điện; thành lập các tổ công tác về: Cải cách thủ tục hành chính, rà soát văn bản pháp luật, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư công.

Chính phủ cũng đã ban nhiều nghị định bổ sung quy định việc né tránh, đùn đẩy là căn cứ đánh giá, xếp loại, để xem xét, xử lý kỷ luật; đồng thời thể chế hóa chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thay thế, điều chuyển cán bộ hạn chế năng lực 

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Trong đó, bà Trà nhấn mạnh đến giải pháp phải xóa bỏ nhận thức trong một số cán bộ, công chức “không làm thì không sai”, “đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử” đang xuất hiện. Bởi đây là một loại “tự diễn biến” cản trở nghiêm trọng sự phát triển

Đi cùng với đó là khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức.

Giải pháp nữa là chú trọng tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực; thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27; có biện pháp, chính sách khuyến khích, khen thưởng thực chất dựa trên hiệu suất và kết quả thực hiện công việc.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: P.Thắng

Bà Trà cũng cho hay, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, công chức.

Chính phủ sẽ quy định cụ thể về đạo đức công vụ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, theo tư lệnh ngành Nội vụ.

Thêm nữa là, kịp thời biểu dương cơ quan, tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm cán bộ, công chức không làm tròn chức trách, nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ; kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ hạn chế năng lực lãnh đạo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Đề nghị xử cán bộ vi phạm không có vụ lợi khoan dung hơn

Bộ trưởng cũng đề cập đến việc nghiên cứu công tác tuyển dụng, quản lý, nhất là đánh giá cán bộ, công chức theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể.

Sử dụng hiệu quả kết quả đánh giá làm căn cứ bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

“Kịp thời miễn nhiệm, từ chức đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm”, báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, nêu gương và vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của người đứng đầu là quyết định kỷ luật, kỷ cương và thành công trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Bà đề nghị phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; mặt trận Tổ quốc với việc khắc phục, đẩy lùi tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm sai phạm theo tính chất, mức độ, động cơ.

Nếu cán bộ, công chức vi phạm không có vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng thì khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa nhằm tạo cơ chế đồng bộ, tinh thần khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn tại Quốc hội vào sáng 8/11

Theo chương trình kỳ họp, sáng 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang sẽ trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.

Ngay sau đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn, giám sát.

Từ 9h40 đến 11h30 ngày 6/11, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đối với các lĩnh vực gồm: Kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng. Nội dung này được kéo dài đến 14h40 chiều cùng ngày.

Thời gian còn lại của buổi chiều ngày 6/11, cộng thêm thời gian sáng hôm sau 7/11, nội dung chất vấn chuyển sang các lĩnh vực: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Từ 9h10 ngày 7/11 đến hết buổi sáng và kéo dài thêm 1 tiếng buổi chiều cùng ngày, nhóm vấn đề được chất vấn sẽ chuyển sang các lĩnh vực: tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán

Từ 15h đến hết chiều ngày 7/11 và thêm 1 giờ 30 phút sáng 8/11, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực.

Cụ thể là khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông.

Từ 9h50 đến 11h ngày 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất