Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu không: Vẫn là câu hỏi khó

Thứ tư, 13/08/2014 - 14:38

(Thanh tra) - Trên thực tế, hiện nay mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chỉ khoảng 60 - 70% thu nhập thực tế. Dự kiến phải đến năm 2018, mức lương đóng BHXH sẽ được tính trên tổng thu nhập của người lao động. Nhưng có đạt mục tiêu “mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu hay không thì vẫn là câu hỏi khó” với các cơ quan chức năng.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH. Ảnh: Thảo Nguyên

Đó là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) phiên thứ 30 sáng nay (13/8) cho ý kiến về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). 

Điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng

Có ý kiến đại biểu chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hàng tháng như dự thảo Chính phủ trình khi tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Một số ý kiến khác thì cho rằng, việc sửa đổi này là cần thiết để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng - hưởng BHXH.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH trên cơ sở mức tiền lương tháng đóng BHXH theo quy định tại Điều 90 của Bộ luật Lao động để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải cân nhắc bảo đảm bình đẳng giới trong khi điều chỉnh chính sách này.

Theo đó, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể như sau: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm) nhằm tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng - hưởng như mục tiêu xây dựng luật đã đặt ra.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lưu ý, các qui định về chính sách lương hưu phải “bảo đảm cho người lao động nam và nữ không cách xa quá và bảo đảm không vỡ Quỹ BHXH”. 

Còn Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc “đặt ra lộ trình phải hợp lý và được hoàn thiện ngay trong dự thảo trên cơ sở kiểm tra, cân đối Quỹ BHXH”.

Sẽ tính đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH tán thành quy định từ ngày 1/1/2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động. Có ý kiến thì đề nghị áp dụng mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Bộ luật Lao động từ ngày Luật BHXH có hiệu lực (1/7/2015).

Theo Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho Quỹ BHXH đang có nguy cơ vỡ vào năm 2034 nếu không có sự điều chỉnh kịp thời trong khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không được chấp nhận trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mà thực hiện theo qui định của Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, việc thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH thuộc khu vực công cần có lộ trình thực hiện hợp lý, đồng bộ với lộ trình thu BHXH vào năm 2018.

Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng đề nghị, lộ trình tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH theo hướng: Bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực thi hành (1/7/2015) đến 31/12/2019; từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

“Quy định như vậy sẽ bảo đảm chính sách được điều chỉnh dần và tạo được sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, cần quy định quỹ bảo hiểm của người lao động ở khu vực công và tư được hạch toán riêng để đảm bảo công bằng, minh bạch trong đóng - hưởng BHXH của người lao động từng khu vực”, bà Trương Thị Mai nhận định.

 Giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH 
Nhiều ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH tán thành việc giao chức năng thanh tra cho tổ chức BHXH; một số ý kiến cho rằng, việc giao chức năng thanh tra là không phù hợp vì BHXH Việt Nam không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, đề nghị cần tăng biên chế thanh tra cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động; một số ý kiến đề nghị chỉ giao thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính.
Theo bà Trương Thị Mai, cơ quan BHXH chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng và đầu tư sinh lời đối với Quỹ BHXH, thực hiện cung cấp dịch vụ công, nếu bổ sung chức năng thanh tra đối với việc đóng BHXH sẽ khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH.
Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH tán thành với quy định giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH và bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc Cơ quan BHXH cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất