Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm rõ nợ xấu ngân hàng liên quan tới bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp

Hương Giang

Thứ năm, 14/04/2022 - 19:06

(Thanh tra) - Sau gần 5 năm, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý hơn 380 nghìn tỷ đồng nợ xấu, nhưng vẫn còn trên 412 nghìn tỷ chưa xử lý được. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, làm rõ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Ngày 14/4, tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tập trung cho ý kiến đánh giá ý nghĩa, vai trò và kết quả thực hiện Nghị quyết 42 thời gian qua.

“Tổng số nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là bao nhiêu, còn lại là như thế nào, kể cả nợ xấu nội bảng cũng như nợ xấu trong hệ thống khác”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Xử lý FLC, Tân Hoàng Minh có ảnh hưởng nợ xấu ngân hàng?

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi có Nghị quyết 42, phần xử lý nợ xấu thu hồi do khách hàng tự trả nợ tăng lên nhiều so với trước, khoảng 40%. Tức là, khi có Nghị quyết 42, người đi vay thấy trách nhiệm của mình trong vay, trả nợ và tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thu hồi nợ.

“Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ; xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm; mua nợ theo giá trị thị trường... tăng cao”, bà Hồng nói.

Toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu nội bảng 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 51,8 %); các khoản nợ ngoài bảng 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%) và các khoản nợ đã bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70%).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Đ.X

Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo nghị quyết này toàn hệ thống đến cuối năm 2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 17,2% so với giữa tháng 8/2017, thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, đánh giá thêm cơ cấu nợ trong mỗi lĩnh vực. “Bây giờ, nợ trong bất động sản, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng như thế nào? Rồi nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu?”, ông đặt vấn đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã “cảnh báo nhiều lần rồi chứ không phải bây giờ mới cảnh báo” và “chắc chắn tới đây rất nóng”. Nhân đây, ông còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá thêm về sở hữu chéo trong hệ thống vì “manh nha bắt đầu lại, cũng phức tạp”.

“Chúng ta mà lơi vấn đề này thì vĩ mô rất khó khăn”, ông Huệ cảnh báo, mất ổn định vĩ mô là mất căn bản, giữ được ổn định vĩ mô thì mới xử lý được nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Đ.X

Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề cập đến việc xử lý các tập đoàn lớn có vi phạm gần đây. Theo bà, cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng hay không.

Bà Thanh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bất ổn chính trị, liên quan đến số lượng lớn khách hàng có dư nợ lớn... để sớm phục hồi, làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ.

“Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá và có những phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn là FLC và Tân Hoàng Minh”, bà Thanh nói.

Chỉ kéo dài Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu tới hết năm 2023

Để xử lý khoản nợ xấu còn lại, Chính phủ đề nghị được kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết ngày 15/8/2024).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban này tán thành kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết thêm 2 năm.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Đ.X

Tuy vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu tại nghị quyết này, theo hướng không giới hạn thời điểm (15/8/2017), mà các khoản nợ phát sinh trong thời gian áp dụng nghị quyết thì đều được xử lý theo cơ chế của Nghị quyết 42.

“Nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu cùng với hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là nợ xấu có xu hướng gia tăng trong 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Việc mở rộng phạm vi áp dụng của khoản nợ xấu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Thanh nêu lý do.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ bóc tách và báo cáo rõ các khoản nợ xấu phát sinh sau 15/8/2017 xử lý theo Luật Tổ chức tín dụng mà không theo Nghị quyết 42 thì hiện thế nào, có vướng mắc gì hay không? Việc này nhằm so sánh xử lý nợ xấu theo cách nào hay hơn.

Chính phủ cũng cần nêu rõ mục tiêu của việc kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. “Nếu kéo dài xử lý thêm 2 năm thì có xử lý hết nợ xấu hay không, hay xử lý được tỷ lệ bao nhiêu?”, ông Định đặt vấn đề và thời gian kéo dài “tối đa hết năm 2023” để khớp với thời gian thực hiện Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu tới hết năm 2023 . Ảnh: Đ.X

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, kéo dài thêm thời hạn Nghị quyết 42 đến hết năm 2023, tức còn khoảng 1,5 năm để ngành ngân hàng xử lý thêm các khoản nợ xấu trong hệ thống, và cũng là thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật xử lý nợ xấu.

Giải trình sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng 4 lần tha thiết mong Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 thêm 2 năm (đến hết 15/8/2024), trong thời gian chờ luật hoá các quy định xử lý nợ xấu.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng hết sức để thực hiện nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, do liên quan đến các khoản nợ, tiền và chắc chắn khi xây dựng các quy định sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Và thời gian để luật hoá các quy định thường 2-3 kỳ họp Quốc hội”, bà Hồng nói.

Tuy vậy, kết luận phiên họp các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, chỉ kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 tới hết năm 2023, không mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng nghị quyết này.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 và hồ sơ đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm