Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 04/01/2014 - 19:13
(Thanh tra) - Chiều 3/1, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương do GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng Đoàn Công tác đã có buổi làm việc với Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu giúp 5 vấn đề lớn về kinh tế - xã hội.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm
Cơ cấu kinh tế TP chuyển dịch theo đúng định hướng
Buổi làm việc đã tập trung vào một số nội dung quan trọng: Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố (TP) về tình hình kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2010-2015, 3 năm (2011 - 2013), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2014; tình hình thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP và một số nội dung quan trọng khác.
Các đại biểu dự họp làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân và đề xuất một số kiến nghị với Trung ương.
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh 3 năm vừa qua, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Kinh tế TP tăng trưởng hợp lý; tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2013 ước tăng 9,3%, cao hơn so năm 2012; dự kiến bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 9,6%/năm, xấp xỉ 1,7 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (5,6%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát tốt, từ mức năm 2011 tăng 15,86% đến năm 2013 chỉ tăng 5,1%, bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 6,9%/năm, bằng 0,75 lần mức tăng CPI cả nước (9,15%). Cơ cấu kinh tế TP chuyển dịch theo đúng định hướng, gắn với từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc kinh tế TP; tăng dần tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu và giá trị tăng thêm của các ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp đô thị. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, theo hướng giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. GDP bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 4.513 USD, bằng 1,4 lần so với cuối năm 2010.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (không tính ghi thu, ghi chi) trong năm 2013 ước đạt 229.514 tỷ đồng, tăng 8,23% so với năm 2012; đạt 100% dự toán. TP đã chủ động đề ra và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, chú trọng nâng cao tỷ trọng 9 ngành dịch vụ, phát triển các loại thương mại bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm; đẩy mạnh chương trình hợp tác thương mại với các tỉnh, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, hình thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi của khu vực. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Huy động mọi nguồn lực, tập trung xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là các công trình, đề án thực hiện các chương trình đột phá của TP. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, cải cách tư pháp. Phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Về các chỉ tiêu chủ yếu hai năm 2014 - 2015, TP Hồ Chí Minh đề ra tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn đạt 10,5% - 11%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ đạt 12% - 12,5%/năm; tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 8,5% - 9%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 5%/năm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (thu nhập 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) và tỷ lệ hộ cận nghèo (thu nhập 21 triệu đồng/người/năm) còn dưới 3% tổng số hộ dân TP.
5 quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội
Đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị với Bộ Chính trị và các cơ quan Trung ương tăng cường tạo điều kiện cho TP được chủ động hơn trong xây dựng và áp dụng cơ chế, chính sách mới để thu hút đầu tư, tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu giúp TP 5 quyết sách chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, giúp TP ngày càng đóng góp nhiều hơn cho cả nước:
Thứ nhất, nghiên cứu, giải quyết giúp TP trong việc huy động nguồn lực vốn đầu tư xã hội cho phát triển thành phố.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đề ra cơ chế, chính sách để bứt phá phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp này.
Thứ ba, nghiên cứu, tư vấn các giải pháp phối hợp phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thứ tư, xây dựng chính sách phát triển, thu hút nguồn nhân lực, sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển.
Vấn đề cuối cùng, phát triển công nghiệp môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thay mặt Ban Kinh tế Trung ương, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao các báo cáo của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã được chuẩn bị hết sức công phu, khái quát được những vấn đề lớn, có tính hệ thống cao, đồng thời cũng đưa ra nhiều số liệu sát thực với tình hình TP. Đây là nguồn tài liệu quý để Ban Kinh tế Trung ương tham khảo phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất của Ban.
Đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội TP trong những năm qua, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: TP Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản, giúp đạt được thành tựu chung cho cả nước; tốc độ tăng trưởng GDP cao, đạt 9,3% (3 năm đạt bình quân 9,6%/năm), bằng 1,7 bình quân chung cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra mạnh mẽ; chỉ số giá tiêu dùng CPI 3 năm ở mức 6,9%/năm cho thấy trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng TP vẫn đạt được tăng trưởng cao, đồng thời lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, đề ra các chỉ tiêu, định lượng cụ thể để đạt chỉ tiêu thu ngân sách chiếm 30% nguồn thu của cả nước, ùn tắc giao thông giảm mạnh, diện mạo TP thay đổi từng ngày. Đặc biệt TP quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đạt được thành tích toàn diện trên mọi mặt công tác…
Trong thời gian tới, tiếp tục xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực.
TP cần bám sát các mục tiêu theo Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm: Thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao; tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao. Lựa chọn một số công đoạn, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong các ngành kinh tế để đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, quan tâm chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường, công nghiệp hóa dược… có giá trị gia tăng lớn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chú trọng mối quan hệ giữa xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa.
TP cùng các bộ, ngành cần tập trung nghiên cứu để sớm hình thành trung tâm tài chính, gắn kinh tế tri thức, nguồn nhân lực kỹ thuật cao, cần có các đề án, chương trình cụ thể để thực hiện; cần tăng cường phát triển các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn để tạo cầu cho kinh tế tri thức, phát triển thị trường tài chính. Chú trọng phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là tạo cầu cho công nghệ thông tin, kinh tế trí thức. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá mới về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế.
TP cần có quy hoạch liên kết vùng kinh tế trọng điểm, kết nối vùng bằng các nguồn lực, bằng sản phẩm… từ chế biến đến tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh; nghiên cứu tầm nhìn phát triển của TP Hồ Chí Minh sau 5 - 7 năm tới so sánh với các TP lớn khác trong khu vực, khi GDP bình quân đầu người đạt 9000 - 10.000 USD/đầu người để có bước phát triển phù hợp. Đề nghị tiếp tục kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP; quan tâm đến công tác tổng kết lý luận, thực tiễn 30 năm đổi mới; hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đô thị TP Hồ Chí Minh, gắn với đề án xây dựng chính quyền đô thị.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương GS.TS Vương Đình Huệ khẳng định: Ban Kinh tế Trung ương sẽ theo dõi, bám sát những đề xuất, kiến nghị của Thành ủy TP, sớm triển khai 5 lĩnh vực mà đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị, đồng thời hai bên cần phân công các bộ phận thường trực để phối hợp chặt chẽ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 52, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại 3 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hương Giang
17:21 11/12/2024(Thanh tra) - Phụ cấp xét xử cho hội thẩm tăng 90.000 lên 900.000 đồng/ngày từ 1/7/2025, theo Pháp lệnh Chi phí Tố tụng được thông qua.
Hương Giang
17:08 11/12/2024Hải Hà
15:38 11/12/2024Chính Bình
15:26 11/12/2024Trung Hà
14:53 11/12/2024Bùi Bình
14:35 11/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang
Hải Hà
Hương Giang
TC
Hải Hà
Trung Hà
Chính Bình
Chính Bình
Trung Hà