Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 30/11/2024 - 09:15
(Thanh tra) - Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình với người chưa thành niên phạm tội. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt (tù có thời hạn, cảnh cáo...) nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, theo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Sáng 30/11, Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên, với 10 chương và 179 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026. Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng...
Trong đó, luật nêu rõ “biện pháp xử lý chuyển hướng” là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Trường hợp phải áp dụng hình phạt thì ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Luật cũng quy định “không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội”. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người thành niên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
12 biện pháp xử lý chuyển hướng
Luật dành một chương quy định về các biện pháp xử lý. Tại Điều 36 quy định rõ, 12 biện pháp xử lý chuyển hướng.
Đó là: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Luật cũng quy định các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng gồm:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38 của luật này.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của luật này.
- Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Điều 38 là quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu phạm tội rất nghiêm trọng về một trong các tội phạm: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, sản xuất trái phép chất ma túy.
Người phạm tội rất nghiêm trọng 2 lần trở lên hoặc phạm nhiều tội rất nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cũng không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nếu phạm tội nghiêm trọng về một trong các tội: hiếp dâm, sản xuất - tàng trữ - mua bán - vận chuyển trái phép và chiếm đoạt chất ma túy; tái phạm, tái phạm nguy hiểm; phạm tội nghiêm trọng do cố ý 2 lần trở lên hoặc phạm nhiều tội nghiêm trọng do cố ý; phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, Luật cũng quy định trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là “người chưa thành niên đã được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng mà phạm tội mới”.
Nhân văn với người chưa thành niên phạm tội
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 14 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 8 tội không áp dụng xử lý chuyển hướng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Khi xét xử người chưa thành niên về những tội này, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, Tòa án có 2 lựa chọn: áp dụng hình phạt hoặc áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Theo bà Nga, dự thảo luật đã chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.
Cụ thể, khi phạm vào những tội nêu trên, người chưa thành niên vẫn chỉ có thể bị áp dụng hoặc giáo dục tại trường giáo dưỡng, hoặc là hình phạt (giống như quy định Bộ luật Hình sự hiện hành) và không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng, nên không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh nhân văn hơn hiện hành vì người chưa thành niên sẽ được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng sớm hơn ngay từ giai đoạn điều tra (thay vì phải chờ đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm mới được áp dụng như hiện nay), từ đó sẽ rút ngắn đáng kể thời hạn tạm giam, hạn chế việc gián đoạn quyền học tập, học nghề.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng sẽ làm tăng nặng hơn rất nhiều trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với hiện hành.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm không bổ sung các trường hợp không được phép xử lý chuyển hướng mà gây bất lợi và làm nặng hơn trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên so với quy định của hiện hành.
Về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam (Điều 162), bà Nga, cho biết có ý kiến đề nghị chỉ quy định mô hình “phân trại hoặc khu giam giữ riêng trong trại giam cho người chưa thành niên là phạm nhân” để bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hiện nay, số lượng người chưa thành niên chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước.
Đáng lưu ý, có những trại giam chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân là người chưa thành niên nên rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng đặt ra đối với người chưa thành niên.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 162 của dự thảo luật theo hướng quy định 3 mô hình để lựa chọn: Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Việc lựa chọn mô hình nào đã được dự thảo Luật giao cho Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng căn cứ tình hình thực tế để quyết định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng được Quốc hội thông qua quy định rõ không tổ chức HĐND quận, phường; đồng thời chốt số lượng Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận, phường.
Hương Giang
09:56 30/11/2024(Thanh tra) - Quốc hội quyết nghị thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân của tỉnh Thừa Thiên Huế. Với quyết nghị này, Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam từ 1/1/2025.
Hương Giang
09:17 30/11/2024Bùi Bình
19:13 29/11/2024Hương Giang
18:43 29/11/2024Hương Giang
15:15 29/11/2024Hương Giang
Trần Quý
Văn Thanh
Trần Quý
Hương Giang
Hoàng Nam
Phương Hiếu
N. Phó - L. Bình
Nam Dũng
Vũ Linh
Thái Hải