Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất giảm giới hạn cấp tín dụng, Ủy ban Kinh tế lo “bất lợi kép” cho cả khách hàng và ngân hàng

Hương Giang

Chủ nhật, 04/06/2023 - 23:25

(Thanh tra) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng vì lo ngại tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, cũng như “bất lợi kép” cho cả khách hàng và ngân hàng.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 5/6 Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ dự án luật này.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có 13 chương với 195 điều; trong đó, giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 144 điều và bổ sung mới 10 điều so với Luật Các Tổ chức tín dụng hiện hành.

Giảm dư nợ tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế

Một trong những điểm mới, dự thảo luật đã điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

Tương tự, tổng mức dư nợ cấp tín dụng với các khách hàng trên cũng giảm từ 25% và 50% xuống còn 15% và 25% với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

“Lý do giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng nhằm giảm mức độ tập trung rủi ro tín dụng và hạn chế sở hữu chéo”, theo tờ trình của Chính phủ.

Chính phủ khẳng định, giảm giới hạn cấp tín dụng thời điểm này không hạn chế nguồn vốn tín dụng cấp cho sản xuất kinh doanh mà ngược lại, giúp cho nhiều khách hàng khác có thể tiếp cận được thêm nguồn vốn tín dụng của ngân hàng.

Từ năm 2010 đến nay vốn tự có của các tổ chức tín dụng đã tăng đáng kể (khối ngân hàng Nhà nước tăng từ 6 đến 10 lần, khối ngân hàng thương mại tăng khoảng từ 3 đến 10 lần, khối tổ chức tín dụng nước ngoài/chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng từ 2 đến 8 lần). Điều này đồng nghĩ, số dư nợ cấp tín dụng tuyệt đối cho một khách hàng hoặc khách hàng và người có liên quan cũng tăng rất nhiều nếu áp dụng theo luật hiện hành.

Thẩm tra nội dụng này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi giới hạn này.

Đưa ra lý do, cơ quan này lưu ý, hiện các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn để phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19. Việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao.

“Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro, thậm chí đã có những trường hợp vi phạm pháp luật trong thời gian qua, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng”, Ủy ban Kinh tế nêu.

Giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng này cũng sẽ khiến khối FDI tốn nhiều chi phí hơn, nên kém hấp dẫn hơn trong thu hút FDI.

Theo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp quy định này được áp dụng, các doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, định nghĩa “người có liên quan” dự kiến sửa đổi theo hướng rộng hơn, đồng nghĩa với cách tính tổng mức dư nợ tín dụng cho “một khách hàng và người có liên quan” sẽ rộng hơn, dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ nhỏ hơn trước.

“Việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan, đồng thời với thu hẹp tổng mức tín dụng được cấp cho một khách hàng và người có liên quan sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng”, Ủy ban Kinh tế lo ngại.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn cho hay, thông lệ quốc tế (như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia...) đều quy định ở mức tỷ lệ cao hơn so với quy định tại dự thảo luật. “Giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng thấp hơn so với một số nước láng giềng cũng có thể khiến môi trường đầu tư ở Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Không chuyển ngân hàng đang “kiểm soát đặc biệt” thành “can thiệp sớm”

Điểm mới nữa, tại khoản 1, Điều 144, dự thảo luật quy định 6 trường hợp áp dụng “can thiệp sớm” tổ chức tín dụng.

Trong 6 trường hợp này, ngoại trừ trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, có 3 trường hợp tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài.

Cụ thể gồm: Không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 3 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 06 tháng liên tục; số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2 trường hợp còn lại là: Xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (theo quy định hiện hành đang đặt vào kiểm soát đặc biệt); có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nêu, việc “can thiệp sớm” thực chất là xử lý tổ chức tín dụng đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ.  Ngân hàng Thế giới cho rằng “các yếu tố kích hoạt can thiệp sớm tại Điều 144  là quá muộn để có thể hỗ trợ”.

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng “can thiệp sớm” phù hợp hơn, theo hướng luật hóa những trường hợp thực hiện giám sát tăng cường mà đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tiễn để thể hiện đúng bản chất của việc “can thiệp sớm”, không chuyển các trường hợp “kiểm soát đặc biệt” thành trường hợp "can thiệp sớm".

“Điều chỉnh theo hướng như vậy cũng sẽ tương thích với các biện pháp can thiệp sớm quy định tại Điều 145 dự thảo luật”, cơ quan thẩm tra nêu.

Một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức tín dụng cũng như cơ quan quản lý Nhà nước khi để xảy ra các trường hợp trên mà chưa có các biện pháp xử lý kịp thời ngay từ ban đầu.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ sự tương quan giữa 2 trường hợp: Có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (điểm đ) và bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (điểm e).

Bởi theo cơ quan thẩm tra, bị rút tiền hàng loạt là tình trạng mất khả năng chi trả, thậm chí nghiêm trọng hơn trường hợp quy định tại điểm đ. Dự thảo luật lại thiết kế với trường hợp điểm đ là “xây dựng phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt”; còn điểm e là “xây dựng phương án khắc phục” dù tổ chức tín dụng không tự khắc phục được.

Cơ quan thẩm tra còn đề nghị làm rõ tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt đến mức độ nào thì cần phải có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bảo đảm sự minh bạch cũng như cân đối kịp thời nguồn lực.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm