Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất 4 chức danh nguyên lãnh đạo chủ chốt được bố trí xe cảnh sát dẫn đường

Hương Giang

Thứ hai, 03/06/2024 - 21:25

(Thanh tra) - Với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung chế độ cảnh vệ bố trí xe cảnh sát dẫn đường khi đi dự sự kiện quan trọng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: P.Thắng

Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Góp ý, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhất trí bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, vì như vậy là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.

Về chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước, ông Hùng đề nghị bổ sung chế độ cảnh vệ đối với các chức danh nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội, được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết khi đi dự các sự kiện đặc biệt quan trọng trong nước bằng ô tô.

“Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung chưa đề cập nội dung này, trong khi đó, các chức danh trên đều thuộc chức danh chủ chốt cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam”, ông Hùng nói.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đồng tình bổ sung chức danh Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ.

“Quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp). Ảnh: P.Thắng

Ông Hải Anh đề nghị nghiên cứu kỹ để quy định đầy đủ các đối tượng khách quốc tế thuộc diện được đảm bảo chế độ và biện pháp cảnh vệ.

Theo ông, công tác cảnh vệ đối với khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam là nội dung quan trọng.

“Quy định đầy đủ các đối tượng khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam thuộc diện được đảm bảo chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ không chỉ đảm bảo an ninh, an toàn cho khách, mà còn thể hiện sự đề cao, sự trọng thị của Việt Nam đối với khách quốc tế. Qua đó tạo sự ủng hộ, sự mến mộ, trân trọng của khách quốc tế, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa chúng ta với các đối tác trên thế giới”, ông Hải Anh nói.

Ngoài các chức danh tại dự thảo luật, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng nên bổ sung một số chức danh nhiều người đứng đầu Đảng cầm quyền của các nước, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của một số định chế liên chính phủ cấp khu vực, quốc tế, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế mà Việt Nam có quan hệ mật thiết hoặc là thành viên.

Cụ thể là: Nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu đảng cầm quyền; người đứng đầu đảng cầm quyền; phó nguyên thủ quốc gia, đồng thời là lãnh đạo đảng cầm quyền; nhà vua, nữ hoàng, người kế vị nhà vua; Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc; Chủ tịch Hội đồng châu Âu; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới; Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á Thái Bình Dương; Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á; chủ tịch một số diễn đàn liên nghị viện khác.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: P.Thắng

Cũng ủng hộ việc bổ sung 3 chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh sự cần thiết, bởi Thường trực Ban Bí thư là người điều hành công việc hàng ngày của Ban Bí thư, là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao là người đứng đầu cơ quan tư pháp, thực hiện quyền tư pháp, thực hiện quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp.

Dự thảo đã thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ, là sự kiện đặc biệt quan trọng, nhưng đại biểu Tô Văn Tám nhận thấy ở hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có sự tham dự của lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao thì nên bổ sung thêm đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế có chức vụ tương đương.

Cạnh đó, theo ông Tám, công tác cảnh vệ rất nhiều yếu tố bất ngờ khó lường trước, mặt khác công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an ninh đối ngoại là yêu cầu phát sinh của thực tiễn.

Bởi vậy, việc bổ sung thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cần thiết là phù hợp, ông Tám nói.

Đồng quan điểm đại biểu Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) ủng hộ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là cần thiết.

“Luật Cảnh vệ hiện hành quy định: căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định còn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tính kịp thời nên đã tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác cảnh vệ”, đại biểu đoàn Hưng Yên nêu lý do.

Sau thảo luận ở hội trường, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ vào ngày 27/6.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm