Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đánh giá kỹ tác động cải cách tiền lương với lương hưu để trình thông qua Luật BHXH sửa đổi

Hương Giang

Thứ tư, 15/05/2024 - 15:38

(Thanh tra) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo đánh giá kỹ tác động của cải cách chính sách tiền lương với lương hưu trước và sau ngày 1/7/2024 để trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi tại kỳ họp 7 tới đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh phải quyết tâm thông qua Luật BHXH sửa đổi tại kỳ họp 7. Ảnh: P.Thắng

Ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung. Trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Trong kỳ họp 7, Quốc hội dự kiến làm việc 26 ngày, khai mạc vào ngày ngày 20/5 và bế mạc vào chiều 27/6 (trong đó, Quốc hội làm việc cả thứ Bảy ngày 25/5 và thứ Bảy ngày 8/6).

Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt: Đợt 1 là 17 ngày từ 20/5 - 8/6; đợt 2 trong 9 ngày từ ngày 17- 27/6.

Vẫn trình Quốc hội thông qua Luật BHXH sửa đổi

Báo cáo một số vấn đề cụ thể, ông Cường cho hay, có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Dự thảo Luật BHXH sửa đổi do chính sách BHXH là chính sách đi sau cải cách tiền lương (trong khi cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024).

Ý kiến khác đề nghị lùi thời điểm trình Quốc hội thông qua dự án luật này sang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo ông Cường, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện, bảo đảm được đa số đồng thuận trước khi trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo đánh giá kỹ tác động của cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu của người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024; những người có mức lương hưu thấp, nhất là nhóm nghỉ hưu trước năm 1995; trình Quốc hội xem xét việc thông qua Dự thảo Luật BHXH sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 nếu bảo đảm đủ điều kiện.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: P.Thắng

Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trong dự kiến chương trình kỳ họp vẫn thể hiện quy trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này.

“Trường hợp qua thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh thời điểm thông qua đối với dự án luật này theo ý kiến của đại biểu Quốc hội”, ông Cường nói.

Không còn “lương cơ sở”, sửa luật cần dùng “mức lương tham chiếu”

Vẫn theo Tổng Thư ký Quốc hội, có ý kiến cho rằng việc thực hiện cải cách tiền lương bắt đầu triển khai từ ngày 1/7/2024, nhưng đến nay chưa có đề án và chưa bố trí trong chương trình kỳ họp là chậm, trường hợp trình Quốc hội tại kỳ họp này sẽ không đủ thời gian để các ủy ban tiến hành thẩm tra.

Thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội về việc “xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ”, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết theo thẩm quyền việc thực hiện để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Ông Cường cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, các ngành Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán và dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: P.Thắng

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, cải cách tiền lương là vấn đề được cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất quan tâm.

“Một trong những nội dung đáng chú ý của chính sách tiền lương mới là sẽ không còn mức lương cơ sở. Vì vậy, khi xây dựng chính sách tiền lương mới thay đổi như thế nào, Chính phủ phải làm rõ", bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Bà Thúy Anh cũng lưu ý, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nội dung liên quan đến lương cơ sở. Vì vậy, cần chỉnh sửa dự luật theo hướng thay vì dùng “mức lương cơ sở” thì dùng “mức lương tham chiếu” cho phù hợp với nội dung của cải cách tiền lương.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh phải quyết tâm thông qua Luật BHXH sửa đổi tại kỳ họp 7. Vì vậy, những nội dung còn vướng mắc, các cơ quan liên quan cần ngồi lại với nhau để tháo gỡ thấu tình, đạt lý.

Ông Bùi Văn Cường cũng báo cáo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép chậm gửi hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, theo quy định tại Điều 97 của Luật Tổ chức Quốc hội, tài liệu nội dung này phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp .

“Đề nghị trước mắt chưa bố trí 2 nội dung nêu trên trong dự kiến Chương trình Kỳ họp”, ông Cường nói.

Căn cứ chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, gửi cơ quan của Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trường hợp hồ sơ bảo đảm đủ điều kiện theo quy định thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung vào chương trình kỳ họp. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm