Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đại biểu Quốc hội: “Không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa...”

Hương Giang

Thứ tư, 08/06/2022 - 22:30

(Thanh tra) - Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, công ty tài chính không được đe dọa khi đòi nợ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Đ.X

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn ở Quốc hội chiều ngày 8/6.

Sẽ có hành lang pháp lý kiểm soát cho vay qua app

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) đặt vấn đề, hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang  app và web.

Cho hay, thời gian vừa qua Công an TP Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân, đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý việc cho vay này.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc cho vay qua app và web đã có ở một số nước trên thế giới, gần đây lan sang các nước châu Á và Việt Nam.

Theo bà, hoạt động này xây dựng nền tảng công nghệ kết nối giữa người cho vay và người vay. Song trên thực tế xảy ra hiện tượng không tách bạch giữa tiền của người cho vay và người đi vay. Có thể người lập ra sàn kết nối lại là người đi vay hoặc người cho vay, gây mất an toàn trật tự xã hội.

Do đó, Trung Quốc đã có biện pháp siết các hoạt động này. Tại Việt Nam, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng các bộ, ngành nghiên cứu và qua khảo sát xác định có các tổ chức xuất hiện cho vay qua app, web.

Bà Hồng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng dự thảo nghị định quy định về hoạt động này để có hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang). Ảnh: Đ.X

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người vay tiền qua các ứng dụng vay online hoặc vay trực tiếp của các công ty tài chính khi người vay không trả nợ đúng hạn.

“Thống đốc sẽ triển khai biện pháp nào để từng bước hạn chế các hành vi nêu trên?”, ông Thịnh chất vấn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật, trong đó có thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các công ty tài chính.

Hiện thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h...

“Siết” tín dụng với bất động sản khiến người nghèo khó mua nhà?

Nhấn mạnh thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế, đại biểu Lê Thanh Vân nêu, “siết” tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi, mục đích của nhà nước là chống đầu cơ, chống “bong bóng” bất động sản.

“Thực tế có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh”, đại biểu hỏi.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau.

Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng

Theo bà Hồng, để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.

“Cho vay trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Về thị trường bất động sản về tăng giá, thổi giá, bà Hồng cho hay, đã có quy định chỉ đạo ngân hàng thương mại khi cho vay phải đánh giá tài sản đảm bảo. Tổ chức tín dụng cho vay có tài sản đảm bảo ở những địa bàn mà giá bất động sản “bong bóng “cao thì phải cẩn trọng kiểm soát rủi ro.

Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ cần tránh “giật cục”

Ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phát triển tài chính vi mô là hoạt động quan trọng, hỗ trợ cho nhiều đối tượng tiếp cận vốn, đặc biệt là người yếu thế, phòng chống tín dụng đen, nên phải khuyến khích phát triển chứ không gây khó khăn.

"Chúng ta cần thanh tra, kiểm tra, giám sát “từ sớm, từ xa”, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn”, ông Vương Đình Huệ nói. Ảnh: Đ.X

Nói không “siết”, nhưng theo ông Vương Đình Huệ, mấy tháng nay thị trường trái phiếu rất “èo uột”, doanh nghiệp muốn huy động vốn nhưng khó khăn. Thị trường bất động sản cũng như vậy.

“Chúng ta cần thanh tra, kiểm tra, giám sát “từ sớm, từ xa”, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn”, ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các thị trường là thông suốt, do đó phải giám sát, quản lý chặt nhưng cũng phải điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển.

“Chúng ta chấn chỉnh, xử lý méo mó của thị trường chứ không đóng cửa hay hạn chế thị trường. Vì thế, chính sách tài chính kinh tế phải nhất quán, thông suốt, tránh giật cục”, ông Vương Đình Huệ nói thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm