Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ bảy, 07/01/2023 - 15:52
(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tích hợp các quy hoạch hay kết nối giữa các quy hoạch gặp khó khăn, nhất giữa các địa phương, thậm chí vẫn có địa phương cục bộ, chỉ quan tâm đến lĩnh vực trong địa phận của mình.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ. Ảnh: P.Thắng
Ngày 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Còn tình trạng cục bộ địa phương
Góp ý, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho rằng, Quy hoạch Tổng thể quốc gia cần ban hành càng sớm càng tốt, bởi đây là căn cứ để triển khai các quy hoạch cấp vùng, cấp tỉnh, quy hoạch ngành.
Theo ông, nếu Quy hoạch Tổng thể quốc gia chưa ban hành được sẽ làm "ách tắc" toàn bộ hoạt động triển khai ở dưới, hiện các địa phương đều đang chờ quy hoạch.
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích hợp các quy hoạch trong Quy hoạch Tổng thể quốc gia, ông Hạ thấy, đây là vấn đề khó khăn, nhất là giữa các địa phương
“Đi trên một đoạn đường đang rất đẹp, rất tốt, đến một đoạn lại thấy khúc khuỷu hoặc chưa đầu tư đến nơi đến chốn. Tôi hỏi tại sao lại như vậy? Hóa ra nó là khúc kết nối giữa 2 huyện hoặc giữa 2 tỉnh”, ông Hạ nói và cho rằng, đây là vấn đề địa phương cục bộ, chỉ quan tâm đến lĩnh vực trong địa phận của mình.
Bên cạnh đó, là tích hợp giữa quy hoạch kinh tế, xã hội với quy hoạch xây dựng. Đại biểu cho hay, ở nhiều nước trên thế giới tách 2 quy hoạch này vì “một cái mang tính chất định hướng không gian, một cái tương đối cụ thể”. Từ đó, ông kiến nghị cần phải lưu ý tránh chồng chéo khi lập quy hoạch.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cũng đề nghị chính sách liên kết vùng phải thực chất.
Theo ông Tuấn, hiện nay không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế. Việc này do thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển liên kết vùng; còn tình trạng cục bộ địa phương; cơ chế điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh.
“Tôi đề nghị trong quy hoạch cần nêu rõ hơn cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên kết vùng làm định hướng, căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Quy hoạch Tổng thể quốc gia không nên đưa “con số quá cụ thể”
Một vấn đề nữa, Dự thảo Quy hoạch Tổng thể quốc gia đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản thấp, dự báo tăng trưởng GDP đạt bình quân 6,3% một năm giai đoạn 2021-2030 và 6,5% một năm 2031-2050, Việt Nam đạt nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Kịch bản cao (kịch bản phấn đấu), dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7% một năm cho cả giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt 7,2% một năm giai đoạn 2031-2050.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nói, để đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước có thu nhập cao thì cần chọn phương án tăng trưởng cao. Nhưng nhìn lại những tác động tiêu cực của dịch COVID -19 đến kinh tế - xã hội thời gian qua, ông Đồng thấy tính khả thi không cao.
“Với quy hoạch, nhất là Quy hoạch Tổng thể quốc gia, cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh. Do đó, quy hoạch không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển, hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc”, ông Đồng góp ý.
Trường hợp vẫn giữ các chỉ tiêu cụ thể ở kịch bản tăng trưởng cao, ông Đồng đề nghị làm rõ Quy hoạch Tổng thể quốc gia sẽ đóng vai ra sao để tạo ra đột phá, động lực hay những trụ cột chính cho phát triển.
Với mục tiêu đến năm 2045 nước ta phát triển công nghiệp hiện đại và có thu nhập cao, đại biểu Tạ Văn Hạ thì lưu ý cần nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá kỹ hơn những tiềm năng, tiềm lực.
Kịch bản tăng trưởng cao đã được nghiên cứu kỹ lưỡng
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, đây là lần đầu Việt Nam xây dựng Quy hoạch Tổng thể quốc gia, nên “rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm”. Tuy nhiên, quy hoạch này rất quan trọng, cấp thiết và các bộ, ngành, địa phương đang rất mong đợi để lập các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành.
Ông Dũng cũng nhìn nhận điểm khó nhất khi lập Quy hoạch Tổng thể quốc gia là làm sao “không chung quá, không chi tiết quá”. Vì vậy, sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tinh thần quy hoạch chiến lược theo hướng phân vùng, liên kết vùng và xác định không gian phát triển... có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra động lực phát triển mới.
Về lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao, GDP đạt bình quân 7% một năm cho cả giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tác động, cân đối các nguồn lực, cũng như dự báo tình hình thế giới, yêu cầu phát triển của đất nước theo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tới năm 2030.
Để thực hiện kịch bản này, theo Bộ trưởng Dũng, sẽ cần khoảng 48,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP. Nguồn lực thực hiện sẽ được huy động từ Nhà nước, tư nhân, đối tác công - tư (PPP), đầu tư nước ngoài...
Theo chương trình kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới 2050 vào chiều 9/1.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 11/12/2024, sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ chương trình và tiến hành phiên bế mạc.
(Thanh tra) - Chiều 11/12, Ban Chỉ đạo về Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Trung Hà
20:45 11/12/2024Trung Hà
20:43 11/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên