Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quy hoạch Tổng thể quốc gia dự kiến cần huy động 48,3 triệu tỷ đồng vốn đầu tư

Hương Giang

Thứ năm, 05/01/2023 - 11:11

(Thanh tra) - Theo báo cáo của Chính phủ, để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% giai đoạn 2021-2030 thì Quy hoạch Tổng thể quốc gia dự kiến cần huy động 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng). Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, làm rõ hơn để bảo đảm tính khả thi cho quy hoạch.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: P.Thắng

Sáng 5/1, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần 2, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra về về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hình thành 4 vùng động lực, 10 hành lang kinh tế

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Quy hoạch Tổng thể quốc gia đưa ra quan điểm về tổ chức không gian phát triển hiệu quả, có trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7%; đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Giai đoạn 2031 - 2050, tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.

Về định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế, Bộ  trưởng cho biết, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía Nam (TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Cùng với đó, từ nay đến năm 2030, sẽ ưu tiên phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài – TP HCM - Vũng Tàu.

Trong dài hạn, Bộ trưởng cho hay, sẽ từng bước hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo đường HCM và cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và 06 hành lang kinh tế Đông - Tây, bao gồm: Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Cầu Treo - Vũng Áng; Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Định hướng phát triển không gian biển, khai thác và sử dụng vùng trời, định ướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia cũng được xác định rõ trong Quy hoạch…

Giải pháp đưa ra chưa mới, chưa đột phá

Như vậy, riêng định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, Chính phủ đưa ra định hướng phát triển 4 vùng động lực quốc gia, 10 hành lang kinh tế, 2 khu vực lãnh thổ cần bảo tồn và vùng hạn chế phát triển và 3 ngành quan trọng cần phát triển.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

Thẩm tra, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có ý kiến trong cơ quan này cho rằng, các giải pháp đưa ra chưa cụ thể hoá các định hướng phát triển. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát, cân đối các giải pháp, nguồn lực thực hiện để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% giai đoạn 2021-2030 thì Quy hoạch Tổng thể quốc gia dự kiến cần 48,3 triệu tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 2011-2020 (khoảng 15 triệu tỷ đồng) và đề xuất một số giải pháp cơ bản.

“Các giải pháp cơ chế, chính sách đưa ra còn chung chung, chưa mới, chưa đột phá”, ông Vũ Hồng Thanh nói trước Quốc hội và cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng, cân đối các giải pháp, nguồn lực để đảm bảo khả thi.

Mặc khác, theo báo cáo quy hoạch của Chính phủ, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần huy động khoảng 9,7 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2030, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư. Trong đó, vốn đầu tư công đến năm 2030 là 6,78 triệu tỷ đồng; vốn doanh nghiệp Nhà nước và nguồn vốn khác là 2,88 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội quyết định là 2,87 triệu tỷ đồng.

Vì thế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc, tính toán kỹ về định hướng khả năng thu ngân sách Nhà nước, mức bội chi và nợ công trong giai đoạn tương ứng, để xác định nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển hợp lý và gắn chặt với an ninh tài chính quốc gia.

Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng các công trình thuỷ lợi, đê điều, công trình phòng, chống ngập, úng, giao thông đường sắt… tại báo cáo quy hoạch là rất lớn, trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Quy hoạch Tổng thể  quốc gia được xây dựng trên cơ sở kịch bản 2 (kịch bản phấn đấu). Vì vậy, đề nghị nghiên cứu rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý để bảo đảm tính khả thi cho các dự án.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, cơ quan thẩm tra nhận thấy, kịch bản tăng trưởng phát triển thấp là kịch bản thận trọng, còn kịch bản cao đòi hỏi nỗ lực phấn đấu cao hơn. 

Có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch tránh việc xây dựng kịch bản tốc độ tăng trưởng cao vượt quá khả năng đáp ứng nguồn lực đầu tư; và cần cân nhắc nghiên cứu, bổ sung “kịch bản trung bình” tối ưu nhất giữa kịch bản thấp và kịch bản phấn đấu.  

Với hai kịch bản tăng trưởng Chính phủ đưa ra, có ý kiến của Quốc hội Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn kế hoạch thực hiện.  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm