Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Chủ nhật, 18/05/2025 - 14:12
(Thanh tra) - Cuộc đối thoại bất ngờ của Thủ tướng với doanh nhân tư nhân, tạo không khí sôi nổi ở hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội.
Sáng 18/5, ngay tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp trao đổi, giải đáp một số ý kiến, đề xuất của lãnh đạo, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Cuộc đối thoại, giải đáp giữa Thủ tướng với các doanh nhân tư nhân diễn ra bất ngờ, không nằm trong chương trình ban đầu của hội nghị.
Lắng nghe ý kiến của doanh nhân tư nhân, không chỉ có Thủ tướng Phạm Minh Chính, mà còn có tất cả lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với doanh nhân tư nhân ở hành lang hội nghị. Ảnh: N.Bắc
Sau khi quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết 68, Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi đại biểu tham dự có ý kiến gì không về những nội dung mà ông đã trình bày.
Nghị quyết 68 giống “nắng hạn gặp cơn mưa rào”
Được sự khuyến khích của Thủ tướng, doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Geleximco là người đầu tiên đứng lên trong tiếng vỗ tay của hội trường Diên Hồng nhà Quốc hội.
Ông Tiền chia sẻ, Nghị quyết 68 xác định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia" là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá, với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, xóa bỏ triệt để quan điểm, nhận thức, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân.
“Chúng tôi khẳng định đây là cuộc cách mạng toàn diện về việc giải phóng lực lượng sản xuất. Tôi cảm nhận Nghị quyết 68 giống như “nắng hạn gặp cơn mưa rào”.
Bao năm nay doanh nghiệp tư nhân rất bức xúc, rất khó chịu, rất muốn cống hiến mà không thể làm được, nhiều lúc bị bó tay, bó chân. Điều này nay đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải phóng cho chúng tôi”, ông Tiền nói.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết, ông kiến nghị, giao một cơ quan độc lập thực hiện giám sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ, chỉ số chấp hành thực thi hiệu quả của các bộ, ngành địa phương.
Đây cũng là kênh tiếp nhận những vấn đề phản ánh của doanh nghiệp, người dân, để những vướng mắc, khó khăn và không thực thi Nghị quyết 68 được phản ánh lên Tổng Bí thư và Thủ tướng.
Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Geleximco. Ảnh: P.Thắng
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Geleximco kiến nghị nên giao cho VCCI thực hiện việc này.
Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết số 198 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Kế hoạch hành động của Chính phủ, đều đã có phân công công việc rất cụ thể cho các cơ quan trong tổ chức thực hiện.
Quá trình thực hiện, theo Thủ tướng, sẽ tiếp tục rà soát, tổng kết việc tổ chức thực hiện các nghị quyết trước đây để những gì tốt thì tiếp tục phát huy.
Ông dẫn chứng, trước đây mọi việc đều phải đấu thầu, nhưng Nghị quyết 68 lần này nêu rõ định hướng giao việc, đặt hàng cho doanh nghiệp.
Thủ tướng mong các doanh nghiệp "đã hứa là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải ra sản phẩm, kết quả cân đong đo đếm được" và các cơ quan Nhà nước cũng phải như vậy.
Ông đồng thời lưu ý, các cơ quan, địa phương tiếp thu ý kiến, cảm nhận của doanh nhân để tổ chức thực hiện tốt hơn.
Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ
Đại biểu doanh nghiệp thứ hai đặt câu hỏi với Thủ tướng là ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ông hỏi Chính phủ có lộ trình như thế nào để số hóa dữ liệu về các quy định trong hệ thống pháp luật, tiến độ giải quyết pháp lý, giúp doanh nhân tra cứu dễ dàng hơn.
Thủ tướng cho hay, ông đã giao việc này cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, xây dựng Cổng pháp lý số để trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước thuận lợi hơn, giảm chi phí.
Mặt khác, doanh nhân, doanh nghiệp thông qua cổng pháp lý số này có thể đóng góp xây dựng, hoàn thiện thể chế, phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
“Việc này giúp doanh nghiệp đỡ phải đến, đỡ phải đi hỏi, đỡ phải làm việc với các cơ quan khi các công việc được xử lý trên Cổng pháp lý số này”, Thủ tướng nói.
Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Lan Hưng. Ảnh: P.Thắng
Người thứ ba được lãnh đạo Chính phủ mời nêu quan điểm là ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Lan Hưng - doanh nghiệp chuyên về phân khúc nhà ở xã hội.
Theo ông Toàn, hiện nay, hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các hộ sản xuất, không có đất để sản xuất, kinh doanh. Đất ở các khu công nghiệp phải từ 1 ha đổ lên mới cho thuê, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có 3,4 tỷ hay 5,7 tỷ nhưng cũng giải quyết cho hàng chục lao động.
“1 ha như vậy muốn thuê cũng phải mất khoảng 30 tỷ, doanh nghiệp vừa và nhỏ lấy đâu ra tiền”, ông Toàn chia sẻ và đề nghị Trung ương có chính sách chỉ đạo các tỉnh, các huyện mở các khu công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh thuê từ 2.000 đến 5.000m2 đổ lại.
Chia sẻ với doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 68 nêu rõ các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp.
Các doanh nhân tư nhân giơ tay mong muốn được chia sẻ tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: P.Thắng
Nghị quyết cũng quán triệt đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn, trong đó ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…
Thủ tướng nhắc lại rằng các nghị quyết, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những nội dung này. Chính phủ sẽ ban hành Nghị định để cụ thể hóa hơn về tiếp cận đất đai, đồng thời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông tư về nguồn vốn.
"Chủ trương đã rất rõ, hai điều này dứt khoát phải có, xin các đại biểu yên tâm hoàn toàn, còn tổ chức thực hiện sẽ có hướng dẫn cụ thể, phù hợp nhất với điều kiện của từng thời kỳ", Thủ tướng chia sẻ.
Rất nhiều cánh tay giơ lên dưới hội trường Diên Hồng muốn nêu quan điểm. Vì thời lượng của chương trình, Thủ tướng đề nghị các đại biểu, doanh nhân nếu có ý kiến, đề xuất thì tiếp tục có văn bản, Chính phủ, các cơ quan sẵn sàng tiếp nhận để giải quyết thấu đáo.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Để chuẩn bị cho Kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 17/6, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các đại biểu HĐND tỉnh đã đồng loạt tổ chức các buổi tiếp xúc với cử tri tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Trọng Tài
(Thanh tra) - Ông Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Dân tộc và Tôn giáo, theo quyết định của Thủ tướng.
Hương Giang
Hương Giang
Chính Bình
Nhật Minh
Hương Giang
An Khang
Trọng Tài
T. Minh
Hương Giang
Hương Giang
Thái Hải
Phương Anh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trung Hà
Chính Bình