Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công an nhớ lời Bác dạy: Xây dựng lực lượng kiểu mẫu, phục vụ nhân dân

Theo TTXVN

Thứ hai, 18/05/2020 - 08:11

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2020), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân.”

Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. (Nguồn: cand.com.vn)

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2020), Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân.” TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:

“Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến trọn vẹn đời mình cho dân tộc, Tổ quốc và nhân dân, cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành rất nhiều tình cảm đặc biệt và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, thường xuyên đối với lực lượng Công an nhân dân.

Trước hết, Người đặc biệt quan tâm xây dựng tính nhân dân của công an Việt Nam. Theo Người, công an Việt Nam là công an nhân dân, dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ; coi đây là yếu tố quyết định, cội nguồn sức mạnh của công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII, ngày 11/3/1948, cùng với 6 Điều dạy về Tư cách người công an cách mạng, Người đã nhấn mạnh: “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc.”

Khi đến thăm và nói chuyện tại trường Công an Trung cấp khóa II, năm 1951, Người chỉ dạy: “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn yêu cầu Công an nhân dân phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân; lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc. Hơn thế, Công an nhân dân phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác công an; phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân.

Người đã chỉ rõ: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được;” “khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.”

Với sự quan tâm, chăm lo của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, Công an nhân dân Việt Nam thực sự là công an của nhân dân, luôn được nhân dân đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ.

Bản chất giai cấp công nhân của Công an nhân dân cũng là yếu tố cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tập trung chăm lo trong quá trình xây dựng Công an nhân dân Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sỹ và toàn lực lượng Công an nhân dân phải đặt lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Công an nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phải phục tùng đường lối, chính sách của Đảng.

Người đã chỉ dạy, “công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản”; “công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân;” “công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng thì dù khéo mấy cũng không kết quả;” “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng thì chuyên môn mới đúng;” “đối với Chính phủ phải tuyệt đối trung thành.”

Chính vì vậy, Công an nhân dân Việt Nam luôn mang trong mình bản chất giai cấp công nhân; thực sự là đội quân tiên phong, nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng, chống gián điệp, phản động; phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự; bảo vệ Đảng, chế độ, chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân. Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân luôn cố gắng rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên của Đảng, hệ thống tổ chức Đảng trong Công an nhân dân không ngừng được củng cố và phát triển lãnh đạo mọi mặt công tác công an. Lực lượng công an nhân dân được tôi luyện qua các thời kỳ cách mạng, trở thành đội ngũ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình,” trung thành vô hạn với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên dày công xây dựng tổ chức bộ máy Công an nhân dân. Sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Công an nhân dân ngày nay bắt đầu từ sự quan tâm chăm lo đặc biệt ấy của Người. Trong Cách mạng Tháng Tám, từ những tổ chức tiền thân như “Đội Tự vệ đỏ,” “Đội tự vệ công nông cách mạng,” “Đội danh dự Việt Minh”…, Công an nhân dân Việt Nam đã ra đời.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân không ngừng kiện toàn, hoàn thiện theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước.

Cùng với việc xây dựng Công an nhân dân về tổ chức, Người đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, tư cách người công an cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thường xuyên thực hành, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Trong đó, 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân về tư cách người công an cách mệnh là một trong những điểm nhấn đặc biệt quan trọng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đức và tài, giữa bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức cách mạng trong sáng, đặt trong chỉnh thể thống nhất với tư cách người cán bộ, đảng viên cộng sản và các mối quan hệ cơ bản nhất của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân.

Khi đề cập đến đặc điểm công tác, chiến đấu của Công an nhân dân và công tác công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, lực lượng Công an nhân dân phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với quân đội nhân dân và các ngành, các đoàn thể quần chúng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự.

Theo Người, “công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc.” Vì vậy, Công an nhân dân phải thường xuyên thực hiện tốt quan hệ hợp đồng tác chiến vì mục tiêu chung bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và nhân dân.

Tại lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), tháng 3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng…”

 Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ một đơn vị Cảnh sát nhân dân khu Hoàn Kiếm (Công an Hà Nội), ngày 1 Tết Quý Mão 1963. (Nguồn: Tư liệu/TTXVN)

Thực hiện chỉ dạy của Bác, Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị; tập trung xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thế trận liên hoàn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trong công tác, chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân phải luôn ghi nhớ, giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp công tác. Đó là, “đối với địch phải cương quyết, khôn khéo;” “cảnh giác, giữ bí mật;” “đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu;” “phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng;” phải sử dụng thành thục, chính xác các phương tiện kỹ thuật... Đây là những chỉ dẫn quan trọng, làm cơ sở hình thành, bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Với sự quan tâm, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự soi đường, chỉ lối của tư tưởng Hồ Chí Minh; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể; sự tin yêu, giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân không ngừng trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; vững về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ, đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Đó là từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; cuộc kháng chiến chống Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng;” thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đến công cuộc đổi mới toàn diện, mở cửa và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Mới đây nhất, thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về phòng chống dịch COVID-19 và tình nguyện tham gia hiến máu, lực lượng Công an nhân dân đã gương mẫu, đi đầu, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, thử thách trên tuyến đầu chống dịch bệnh.

Cán bộ, chiến sỹ công an tình nguyện hiến gần 40.000 đơn vị máu, đóng góp quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Qua đó, công an nhân dân tiếp tục làm tỏa sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

 Cán bộ chiến sỹ Công an thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tham gia hiến máu. (Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN)

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890-19/5/2020), lực lượng Công an nhân dân bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn trước công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Đối với Công an nhân dân, lúc sinh thời Bác đã dày công chăm lo, giáo dục, rèn luyện và để lại hệ thống tư tưởng chỉ đạo quý báu, giàu tính giáo dục, mãi mãi là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động, công tác, chiến đấu. Lực lượng Công an nhân dân tiếp tục bảo vệ, phát triển và quán triệt, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang, xây dựng lực lượng công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở;” có đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp, đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Công an nhân dân kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nhất là những biểu hiện bảo kê, tiếp tay cho tội phạm theo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ;” nâng cao hiệu quả các mặt công tác; nhạy bén, sắc bén, kiên quyết trong đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm.

Lực lượng Công an nhân dân lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc hơn nữa, góp phần thực hiện lý tưởng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm