Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chính phủ triển khai Quy hoạch Tổng thể quốc gia: Tư duy mới để tìm kiếm cơ hội phát triển mới

Hương Giang

Thứ năm, 20/04/2023 - 12:19

(Thanh tra) - Quy hoạch Tổng thể quốc gia lần đầu xây dựng và được Quốc hội thông qua là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới-Tầm nhìn mới-Cơ hội mới-Giá trị mới”, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải “giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải”. Ảnh: N.Bắc

Sáng 20/4, Chính phủ tổ chức hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050.

Hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 lấy chủ đề “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”, được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu là các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Quy hoạch Tổng thể quốc gia lần đầu tiên được xây dựng ở nước ta, là quy hoạch vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm.

Do đó, Quy hoạch Tổng thể quốc gia được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 là một bước quan trọng và có thể được đúc kết lại trong 12 chữ “Tư duy mới-Tầm nhìn mới-Cơ hội mới-Giá trị mới”, theo người đứng đầu Chính phủ.

Đổi mới thu hút đầu tư, giải quyết dứt điểm đầu tư dàn trải

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các cấp, ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch Tổng thể Quốc gia, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

“Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn”, Thủ tướng lưu ý phải phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Ông yêu cầu hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn; đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực...

Các đại biểu tham dự hội nghị công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Ảnh: N.Bắc

Thu hút các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào các vùng động lực, hình thành những cụm liên kết ngành, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chăm lo công tác an sinh xã hội; tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường không khí, nước, đất tại các đô thị lớn, lưu vực sông, biển; quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa….

Để có nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, bảo đảm tăng dần cho chi đầu tư phát triển và giảm dần chi thường xuyên một cách hợp lý.

Đồng thời, đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước không thuộc danh mục mà Nhà nước cần nắm giữ, thực hiện giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước, tạo dư địa cho huy động nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phải “giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải”.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện trong giám sát, thực hiện quy hoạch

Với tư duy mới, tầm nhìn mới để tìm kiếm không gian, cơ hội phát triển mới, tạo nên những giá trị mới, Thủ tướng yêu cầu kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giám sát, tổ chức thực hiện.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ trưởng, chủ tịch các địa phương phải chỉ đạo rà soát các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt.

“Nếu có mâu thuẫn với quy hoạch cao hơn thì trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cho chủ trương điều chỉnh”, Thủ tướng nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao; định kỳ hằng năm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội phối hợp; thực hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, vai trò phản biện, đóng góp ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội.

“Làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ mong nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của  các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm, đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, toàn xã hội và tất cả người dân.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm