Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề có điều kiện

Hương Giang

Thứ sáu, 01/11/2024 - 11:02

(Thanh tra) - Quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được bãi bỏ trong Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trình Quốc hội.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sáng 1/11. Trong dự thảo mới này đã bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Dự thảo luật Chính phủ trình được kế thừa quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành và Luật Đầu tư, tiếp tục quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan quản lý Nhà nước cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy trước khi hoạt động.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”; không quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến trên là cần phải thực hiện chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”, tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa cho cơ sở, doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, thiết kế, thi công, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn”, ông Tới nói.

Tiếp thu ý kiến các Đại biểu Quốc hội và tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bỏ quy định kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong dự thảo luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư nhằm bỏ quy định trên tại mục số 11 Phụ lục IV.

Nêu ý kiến đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Công khai kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy cơ sở kinh doanh

Với quy định quy định nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ “không bố trí gian phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh” tại Điều 20 dự thảo luật, ông Mai bày tỏ băn khoăn.

Bởi theo ông, thực tế điều kiện kinh tế của hộ kinh doanh không bố trí được nơi ở khác. Nhiều cơ sở kinh doanh đồng thời bố trí phòng ngủ, sinh hoạt của gia đình. Người làm công tác bảo vệ thường nghỉ trưa, nghỉ lại qua đêm tại cơ sở sản xuất kinh doanh.

Từ đó, đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị xem xét lại quy định này theo hướng khuyến khích hoặc nếu thực hiện phải có lộ trình hợp lý vì chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn. “Cần đánh giá thêm số lượng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh không đáp ứng được quy định trên để có hướng xử lý cho phù hợp”, ông Mai nói.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên. Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Đỗ Văn Yên (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay nhiều cơ sở không đáp ứng được tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn hoạt động, hoặc chỉ khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm.

“Cần có những quy định chi tiết hơn về chế độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh”, ông Yên nói.

Ông cũng đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định là các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải công khai kết quả kiểm tra phòng cháy, chữa cháy hàng năm trên trang thông tin điện tử của cơ quan chức năng và tại cơ sở

Dự thảo luật cũng cần bổ sung thêm các điều khoản là các cơ sở kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần về tình trạng hoạt động của các hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Đỗ Văn Yên đề xuất.

Nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy

Xuất phát từ tình hình thực tế thời gian qua xuất hiện khá nhiều vụ cháy xảy ra liên quan đến nhóm nguyên nhân chập điện và hàn xì, liên quan đến các quán karaoke và vũ trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, những nội dung này liên quan đến các nhóm này cần được rà soát chặt chẽ để đảm bảo ngăn ngừa công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: P.Thắng

Theo ông Thành, công tác phòng cháy, chữa cháy quy định trong dự thảo luật (từ Điều 15 đến Điều 20) khá đầy đủ. Tuy nhiên, đại biểu thấy các vụ cháy thường xảy ra ở các nhà trong ngõ nhỏ và các chung cư cao tầng, với trang thiết bị chữa cháy hiện rất khó tiếp cận để chữa cháy.

“Với chung cư cao tầng, trang thiết bị chữa cháy mới tiếp cận đến tầng 17, nghĩa là từ tầng 18 trở lên tiếp cận rất khó”, ông Thành nêu ví dụ.

Do đó, ông đề nghị cần nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy. “Hiện nay, chúng ta đang chỉ tiếp cận một nguồn nước riêng biệt và từ các ao, sông, hồ để chữa cháy, nghĩa là mới từ dưới lên. Trong khi, chúng ta chưa tiếp cận được nguồn nước của các gia đình từ trên xuống”, đại biểu nói và cho rằng, cần phải khai thác nguồn nước từ các hộ gia đình để chữa cháy linh hoạt, kịp thời.

Liên quan đến phòng cháy với nhà ở tại Điều 19, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nên bố trí một ụ nước hoặc hệ thống vòi nước, dây dẫn, vòi xịt… để xử lý khi xảy ra sự cố cháy.

“Cháy thường xuất phát từ một điểm, nếu xử lý ngay được thì sẽ ngăn ngừa được cháy lan rộng”, ông Thành góp ý, các hộ gia đình khi cải tạo nhà thì bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt để xử lý cho kịp thời.

Dự thảo luật - Điều 20. Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

1. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy theo quy định tại Điều 19 của Luật này và bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

b) Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.

2. Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy quy định tại khoản 1 Điều này và bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Không bố trí gian phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh;

b) Có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

c) Khu vực sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm