Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất nhà ở có thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống của cảnh sát

Hương Giang

Thứ sáu, 01/11/2024 - 05:30

(Thanh tra) - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc nhà ở lắp đặt các thiết bị truyền tin báo cháy nhằm sớm phát hiện các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố ngay từ khi mới phát sinh và xử lý kịp thời, giảm thiểu các thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra là cần thiết.

Đề xuất nhà ở lắp đặt thiết bị truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống của cảnh sát được nêu trong Dự thảo Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, sáng 1/11. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phòng cháy với nhà ở.

Có quy định riêng về phòng cháy với về nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Quá trình thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cao tầng, khu chung cư, trung tâm đô thị lớn.

Theo các đại biểu, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải có yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy cao hơn hơn so với nhà ở thông thường.

Tại báo cáo giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, đã chỉ đạo tách 1 điều về phòng cháy với nhà ở thành 2 điều gồm: 1 điều về phòng cháy với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20).

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 8. Ảnh: P.Thắng

Theo dự thảo luật, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy của nhà ở riêng lẻ, còn phải bảo đảm các điều kiện như có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Khu vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ phải có giải pháp ngăn cách hoặc ngăn cháy với khu vực để ở.

Trường hợp nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thì không được bố trí phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh. Loại nhà này còn phải có phương tiện báo cháy, giải pháp thông gió, thiết bị báo rò rỉ khí cháy, khí độc; khu vực sản xuất, kinh doanh phải được ngăn cháy với lối thoát nạn của khu vực để ở.

Với chung cư, nhà cao tầng, nhà cho thuê trọ, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là những đối tượng thuộc diện cơ sở quản lý về phòng cháy, chức cháy sẽ phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 22, dự thảo luật.

Nhà ở khu vực không bảo đảm chống cháy lan phải có thiết bị truyền tin báo cháy

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy rằng, việc lắp đặt các thiết bị truyền tin báo cháy nhằm sớm phát hiện các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố ngay từ khi mới phát sinh và xử lý kịp thời, giảm thiểu các thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra là cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất nhà ở tại TP lớn mà thuộc khu vực không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, chống cháy lan phải có thiết bị truyền tin báo cháy. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: P.Hải

Để bảo đảm tính khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến đại biểu tại khoản 5 Điều 19 về phòng cháy với nhà ở dự thảo luật như sau:

“Nhà nước khuyến khích hộ gia đình trang bị, kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và truyền tin báo cháy.

Đối với nhà ở tại TP trực thuộc Trung ương mà thuộc khu vực không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy phải trang bị bình chữa cháy, trang bị thiết bị có chức năng truyền tin báo cháy kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và truyền tin báo cháy theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn có trách nhiệm hướng dẫn việc kết nối thiết bị có chức năng báo cháy với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và truyền tin báo cháy khi có yêu cầu”.

Theo dự thảo luật, cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

Nhà nước sẽ đầu tư, xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tại những nơi bố trí đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy do lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xây dựng, quản lý, kết nối, khai thác, vận hành, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7, dự kiến thông qua tại kỳ họp này.

Dự thảo luật - Điều 22 về phòng cháy đối với cơ sở

1. Cơ sở phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy sau đây:

a) Có quy định, nội quy, biện pháp về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với từng loại hình cơ sở;

b) Trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;

c) Trang bị, kết nối thiết bị truyền tin báo cháy với hệ thống cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy; khai báo, cập nhật cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi cơ sở hạ tầng thông tin được bảo đảm;

d) Có giải pháp ngăn cháy, chống khói, thoát nạn đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

đ) Có phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

e) Thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức hoạt động trong phạm vi một cơ sở phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy sau đây:

a) Có quy định, nội quy, biện pháp về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức;

b) Bảo đảm an toàn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất dễ cháy, nổ trong phạm vi quản lý;

c) Cử người tham gia lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở hoặc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

d) Thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm