Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Có công trình như nhà HH Linh Đàm không biết khắc phục phòng cháy, chữa cháy thế nào"

Hương Giang

Thứ tư, 14/08/2024 - 10:40

(Thanh tra) - Có những công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy không thể khắc phục được. Như công trình nhà HH Linh Đàm, cả chục tòa nhà như thế không biết khắc phục phòng cháy, chữa cháy thế nào, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Đ.X

Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Dự thảo luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy tăng

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn.

Cạnh đó, có ý kiến đề nghị tách điều này thành 2 điều quy định về phòng cháy, chữa cháy với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời bổ sung các quy định, giải pháp mang tính đột phá trong công tác phòng cháy đối với loại hình này, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Tới, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Dự thảo luật luật bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Nêu ý kiến về quy định phòng cháy, chữa cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh (Điều 19), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận định nội dung này đã được chỉnh lý nhiều so với kỳ họp thứ 7. Nhưng, theo ông Giang, quy định vẫn chưa rõ ràng, còn chung chung nên rất khó khả thi và khó triển khai trong thực tiễn cho cả người dân và cơ quan thực thi pháp luật.

“Đây là loại hình hiện nay rất phổ biến, đặc biệt ở các đô thị, gần như các nhà mặt phố đều có sự kết hợp giữa nhà ở và kinh doanh, nếu không quy định cụ thể ở đây thì nên giao Chính phủ và Bộ trưởng Công an quy định nội dung này”, ông Giang góp ý.

Liên quan đến xử lý các cơ sở, công trình không đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, ông Giang đánh giá đây là nội dung mà dự thảo luật chưa xử lý được.

Theo ông Giang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có đợt giám sát về phòng cháy chữa cháy. Đến nay, số cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy so với thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát đã tăng lên.

Ông dẫn báo cáo của Bộ Công an cho thấy đến nay mới chỉ xử lý được 1.487 trong tổng số 7.187 công trình vi phạm ở 35 địa phương. Các công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy nhưng đã đưa vào sử dụng, mới khắc phục được 2.964 trong tổng 11.007 công trình.

“Có những công trình không thể khắc phục được, như công trình nhà HH Linh Đàm, cả chục tòa nhà như thế không biết khắc phục như thế nào. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xuống giám sát ở đó, tôi hỏi người dân, họ bảo ngày nào cũng có báo cháy vì chục tòa nhà liền kề như thế, không biết xử lý như thế nào”, ông Giang dẫn chứng.

Từ thực tế đó, ông Giang cho rằng phải có khoảng thời gian nhất định để xử lý.

Ví dụ, với công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, khi luật có hiệu lực, cần có thời hạn nhất định để khắc phục tối thiểu những công trình này, nếu không sẽ phải dừng hoạt động hết.

Thang 15 tầng mà đầu tư lên 20-25 tầng thì không có cách nào chữa cháy

Nhắc đến một số vụ cháy lớn làm chết và bị thương nhiều người, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp và còn nhiều bất cập trong phòng cháy, chữa cháy, dù công tác này rất được quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: P.Thắng

“Ở địa phương, cơ sở phải chăng còn buông lỏng, chưa xử lý chưa nghiêm các trường hợp nhà ở kết hợp kinh doanh vi phạm phòng cháy, chữa cháy? Hay các công trình xây dựng không có hệ thống thoát hiểm, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hoặc nếu có không sử dụng được?”, ông Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề.

Nhấn mạnh “phòng là chính”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi cháy rồi thì chữa cháy rất khó khăn.

Đặc biệt với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có rất nhiều chung cư cao tầng thường xảy ra cháy nổ nhưng bất cập là không có thang cao đêt chữa cháy.

“Khi phê duyệt bao nhiêu tầng phải đảm bảo có thang chữa cháy bấy nhiêu tầng, chứ thang chữa cháy 15 tầng mà đầu tư lên 20-25 tầng thì… không có cách nào chữa cháy”, ông Mẫn nói.

Trong khi trực thăng chữa cháy chưa có, thang chữa cháy cũng chỉ đến tầng 20, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cần có yêu cầu khác với những chung cư mới xây dựng để phòng ngừa trong trường hợp sự cố xảy ra, còn khi sự cố xảy ra thì “rất khó khắc phục”.

“Lo ngại nhất bây giờ là nhà cao tầng khi xảy ra sự cố rất khó xử lý, quy định phương thức, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn nhà cao tầng cũng phức tạp hơn. Nếu có điều kiện thiết kế điều khoản riêng như anh Thanh đề xuất thì tốt, còn không có thể quy định ở đâu đó để Chính phủ có điều kiện sẽ làm”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, ủy ban này đã phối hợp với cơ quan soạn thảo thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều về xử lý với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (Điều 58), một điều về điều khoản chuyển tiếp (Điều 61) chỉ quy định về các trường hợp phải áp dụng Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27 hoặc Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc của các công trình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, UBND cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục; giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình.

Với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế, phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.

Đối với ý kiến đề nghị quy định rõ tại dự thảo luật về thời gian, lộ trình thực hiện việc xử lý với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, dự thảo luật giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc xử lý bảo đảm linh hoạt, khả thi khi triển khai thực hiện. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm