Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 19/09/2022 - 17:25
(Thanh tra) - Chiều ngày 19/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Một trong những vấn đề được quan tâm là giữ hay bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có báo cáo đánh giá tác động việc giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu do còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về bỏ hay giữ quỹ này. Ảnh: Đ.X
Chính phủ đề xuất giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự thảo luật bổ sung quy định và đưa thành một điều riêng về bình ổn giá.
Việc này để đảm bảo tính khả thi, tránh phát sinh trường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn thì mới lập quỹ. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong cơ quan Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
“Quỹ Bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.
Thêm nữa, theo ông Cường, bối cảnh hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước.
“Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ hiện tại là chưa phù hợp”, ông Cường nêu.
Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.
Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày) thì trước mắt vẫn cần thiết phải duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Nhưng ông Cường nói, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm. Điều hành quỹ này cũng cần linh hoạt hơn; tăng trách nhiệm quản lý, công khai, minh bạch.
“Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế”, ông Cường lưu ý.
Nếu vẫn duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu thì chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng như tại dự thảo luật.
Quỹ bình ổn giá
1. Quỹ Bình ổn giá là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước được trích lập từ giá hàng hóa, dịch vụ và các nguồn tài chính hợp pháp khác và chỉ được sử dụng cho mục đích bình ổn giá. Chính phủ quy định chi tiết hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được lập Quỹ Bình ổn giá và việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá.
2. Doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng được lập Quỹ Bình ổn giá phải thực hiện các quy định về trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
(Điều 22 dự thảo Luật)
Bỏ quỹ, Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế, phí và hỗ trợ khác
Ở chiều ngược lại, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu, do đây là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng một lít).
Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi liên quan đến quỹ này và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ quỹ.
Cạnh đó, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới. Việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường.
Vì thế phát sinh thực tế, thời điểm giá xăng dầu tăng cao, trường hợp quỹ bị âm thì doanh nghiệp vẫn phải chi từ quỹ, thậm chí là vay ngân hàng bù vào. Còn khi giá thế giới xuống thấp, giá xăng dầu trong nước lại giảm chậm do phải trích lập quỹ, bù đắp cho phần quỹ âm trước đó.
Ở quan điểm này cho rằng, thay vì dùng quỹ, Nhà nước có thể sử dụng công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế, ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. Đây cũng là công cụ điều tiết nhiều quốc gia đang áp dụng.
Cần đánh giá tác động đề xuất giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Nêu ý kiến, theo Chủ nhiêm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vừa qua. “Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc điều hành chưa linh hoạt, làm giá trong nước chưa bám sát thị trường”, ông Thanh nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tác động đề xuất giữ Quỹ Bình ổn giá, do đây là vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về bỏ hay giữ quỹ này.
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, quỹ vừa qua đã cho thấy lợi ích, tác dụng lớn trong ổn định giá xăng dầu trong nước, nhất là trước biến động bất thường của giá thế giới.
Theo ông, để ổn định giá xăng dầu trong nước, hiện ngoài Quỹ Bình ổn này còn có các công cụ khác như thuế, phí, điều tiết nguồn cung… Tuy vậy, “Quỹ Bình ổn xăng dầu là công cụ điều tiết giá xăng dầu hợp lý” nên Chính phủ đề nghị giữ lại quỹ này.
“Thuế, phí chỉ có thể giảm trong ngắn hạn, áp dụng mức thấp trong dài hạn sẽ khó khăn. Chưa kể giảm rồi sau tăng lại cũng không dễ”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.
Cũng theo Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), sách giáo khoa là một trong những mặt hàng được bổ sung để Nhà nước định giá. Theo phương án Chính phủ đưa ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao “quyết định giá cụ thể”.
Tán thành nhưng cơ quan thẩm tra lưu ý, hiện có nhiều đơn vị được phép phát hành sách. Vì vậy đề nghị, Nhà nước nên quy định giá bán tối đa, không ấn định giá, để các nhà xuất bản quyết định giá bán cụ thể.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục cũng đồng tình cần đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá, Bộ Giáo dục Đào tạo quy định giá trần.
Về lâu dài, theo ông Vinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng một bộ sách giáo khoa của Nhà nước và định giá bộ sách này. Với cách này, sẽ đảm bảo các đối tượng yếu thế có thể tiếp cận được sách, hay hơn việc định giá tất cả các bộ sách giáo khoa do các đơn vị khác phát hành.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính tài chính nhấn mạnh, sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng tới đại đa số người nghèo nên cần sự điều chỉnh của Nhà nước.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương