Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bàn giải pháp xây dựng cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao bằng công nghệ mới

Hương Giang

Thứ ba, 04/03/2025 - 15:40

(Thanh tra) - Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang được triển khai trên nhiều khu vực có điều kiện địa hình khác nhau với tiến độ rất khẩn trương, nên đã phát sinh một số vấn đề.

Ngày 4/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với Công ty Hoà Bình, các chuyên gia khoa học, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ về xây dựng cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao bằng công nghệ cầu bản rỗng trên cọc bê tông cường độ cao (PRC) V+.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: M.Khôi

Phó Thủ tướng cho hay, hiện nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đang được triển khai trên nhiều khu vực có điều kiện địa hình, tự nhiên khác nhau, với tiến độ rất khẩn trương.

Việc này làm phát sinh các vấn đề về năng lực, tư duy thiết kế, giải pháp thi công trong bảo đảm tính đa mục tiêu như chất lượng, tính bền vững, độ an toàn, phù hợp với địa hình, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường…

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tập trung làm rõ các tiêu chí về tính bền vững, khả năng chống chọi với các biến động địa chất, địa hình, tuổi thọ, độ an toàn của các công trình thi công bằng công nghệ cầu bản rỗng trên cọc bê tông PRC V+.

Phó Thủ tướng đồng thời yêu cầu làm rõ hiệu quả kinh tế tổng thể khi giảm chi phí, đơn giá đầu tư, rút ngắn thời gian hoàn thành dự án.

Theo báo cáo của Công ty Hoà Bình, công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ sử dụng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực và tấm panel bản rỗng có sườn dự ứng lực để xây dựng đường cao tốc cầu cạn trên cao, đường sắt đô thị trên cao thay thế cho công nghệ xây dựng cao tốc cầu cạn theo công nghệ đúc cọc, dầm bê tông tại chỗ, tốn nhiều chi phí, thời gian hơn.

Với công nghệ mới, các cấu kiện bê tông để xây cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao được chuẩn hóa, đúc sẵn, sản xuất đồng loạt tại các nhà máy, không phải tiến hành đổ bê tông cọc, dầm trực tiếp trên công trường, vì thế thi công nhanh hơn, chất lượng dầm, cọc bảo đảm. Đặc biệt, do cấu kiện bê tông được sản xuất đồng loạt trong nhà máy nên rất tiết kiệm.

Hiện nay, công nghệ này đã được áp dụng trong xây dựng cao tốc cầu cạn tại Trung Quốc, Indonesia, Đức, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc)...

PGS.TS Tống Trần Tùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng giải pháp kỹ thuật của Công ty Hoà Bình hoàn toàn khả thi và thực tế đã được triển khai ở Việt Nam.

Vấn đề là cần có dự án cụ thể, để công ty này thực hiện đầy đủ các bước đầu tư, thiết kế, phương án thi công… có sự thẩm định, đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước, làm căn cứ so sánh với các công nghệ, giải pháp thi công khác về suất vốn đầu tư, thời gian thực hiện, độ bền, độ an toàn…, theo ông Tùng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc với Công ty Hoà Bình, các chuyên gia khoa học, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa hoc và Công nghệ về xây dựng cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao bằng công nghệ cầu bản rỗng trên cọc bê tông cường độ cao (PRC) V+. Ảnh: M.Khôi

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà nhận định, công nghệ của Công ty Hoà Bình đã có cải tiến, bổ sung về giải pháp kỹ thuật phù hợp hơn với điều kiện của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng cần tiếp tục làm rõ những điểm mới của công nghệ, khả năng đáp ứng với tiêu chí về an toàn, tuổi thọ công trình, chi phí đầu tư, tính khả thi khi triển khai, phương án bảo trì, bảo dưỡng, bảo đảm cảnh quan đô thị…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng bên cạnh những ưu điểm của giải pháp thi công cầu cạn ở vùng đất ngập nước, nền đất yếu, khu vực ven biển…, cần tiếp tục làm rõ căn cứ, cơ sở kinh tế, kỹ thuật cho thấy giải pháp của Công ty Hòa Bình có chi phí đầu tư rẻ hơn, thời gian thi công ngắn hơn so với các công nghệ cầu cạn đang áp dụng tại Việt Nam.

Theo ông, Công ty Hoà Bình và các doanh nghiệp khác phải xây dựng hướng dẫn thi công cầu cạn; định mức, đơn giá thi công trong điều kiện thi công cụ thể; phạm vi áp dụng trong điều kiện địa chất, thuỷ văn cụ thể…

Những nội dung trên phải công bố công khai sau khi được cơ quan quản lý thẩm định, đánh giá.

Lãnh đạo Chính phủ giao TP Hà Nội phối hợp với các nhà đầu tư dự án đường vành đai 4 TP Hà Nội để lựa chọn áp dụng công nghệ, giải pháp của Công ty Hoà Bình trên một đoạn tuyến cụ thể, theo đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng. Điều này nhằm đánh giá đầy đủ về độ bền, độ an toàn, phương án bảo trì, bảo dưỡng, thời gian thực hiện, hiệu quả kinh tế…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm