Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

IPU 132: Bàn cách “tấn công” khủng bố

Thứ ba, 31/03/2015 - 06:34

(Thanh tra)- Tiếp tục các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU 132), hôm qua (30/3), phiên họp toàn thể của Đại hội đồng thảo luận về chủ đề khẩn cấp: Đối phó với nhóm khủng bố Pokoharam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng IPU 132 với trách nhiệm điều hành phiên họp của Đại hội đồng IPU. Ảnh: Thảo Nguyên

“Chặn” nguồn tài trợ cho khủng bố

Thời gian qua, các tổ chức khủng bố đã sử dụng bạo lực rất tàn bạo, gây tội ác với dân thường, thậm chí bắt cóc, đòi tiền chuộc và sử dụng Internet để thu hút, tuyển dụng những người trên thế giới vào mạng lưới của họ. Trong thời gian ngắn đã có hơn 20 người bị hành hình theo hình thức cắt cổ. 

Các nghị sĩ khẳng định: Cần chống lại mọi loại hình khủng bố; cần có những hành động cụ thể khuyến khích Quốc hội và Chính phủ lên án các tổ chức, cá nhân giúp đỡ Pokoharam theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Dẫn chứng khủng bố gây ra nhiều hậu quả lớn khiến kinh tế các nước bị ảnh hưởng, nhất là số tiền dùng để chống khủng bố hoàn toàn có thể dùng để xóa đói giảm nghèo, đại diện đại diện đến từ Tchard ở châu Phi nói: "Đã đến lúc chúng ta ý thức lên án chống lại nạn khủng bố thảm sát hàng loạt phụ nữ và trẻ em. Đây là những hành động không thể tha thứ. Khủng bố Pokoharam phải bị tấn công trên tất cả các mặt trận để bảo vệ người dân. Vì thế, các quốc gia cần liên kết lại với nhau để chống lại sự hung bạo này".

Theo ông Richard Msowoya, Đoàn Malawi, các nước ở châu Phi đang bị cô lập trong chống lại khủng bố. Những nước không có điều kiện chống lại khủng bố thì trẻ em không được đến trường. Ví dụ tại Nigeria, Chính phủ nước này phải chi ra rất nhiều tiền để chống lại khủng bố, không có tiền để chống đói nghèo. “Phải nỗ lực trao đổi để đi đến giải pháp cụ thể ngay tại diễn đàn IPU này. Các nước cần hợp tác với nhau để chống lại khủng bố, ngăn chặn nguồn tiền tài trợ cho khủng bố và cần đưa ra điều luật để chống lại khủng bố", ông Richard đưa ra các biện pháp để chống lại khủng bố.

Duy trì bền vững cuộc chiến chống khủng bố

Đặt vấn đề tại sao khủng bố có thể tuyển quân được ở nhiều nước để các nước xem xét lại chính sách của mình, ông Kwwasi Mutema, Đoàn Trinidad & Tobago gay gắt: Trong quá khứ, chúng ta đã làm ngơ với hành động tàn ác của khủng bố, giờ đây lịch sử lặp lại trong thế giới hiện nay. Giờ không phải lúc chúng ta làm ngơ. “Trước đây chúng ta đã có một nhà lãnh đạo vĩ đại trên thế giới để chống lại khủng bố, người luôn hướng đến hạnh phúc của mọi người đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam", ông Kwwasi Mutema nhấn mạnh và đề xuất, cần duy trì bền vững cuộc chiến chống khủng bố; đồng thời tuyên truyền cho giới trẻ để tránh tình trạng “thanh niên đã đi hành nghìn cây số chỉ để tham gia gia nhập tổ chức Hồi giáo IS. 

Trong khi đó, ông Sen A Moruso, Đoàn Italia cho rằng: "Quốc hội cần đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua Luật Chống khủng bố, Luật Thu thập thông tin chống khủng bố". 

Còn bà Bronwyn Bishop, Chủ tịch Hạ viện Australia thì đề nghị tiến hành nhiều biện pháp như ngăn chặn ủng hộ tài chính cho tổ chức khủng bố, đưa các cá nhân hay tổ chức ủng hộ Pokoharam ra tòa án quốc tế, đồng thời ngăn chặn việc cung cấp thông tin cho tổ chức này. “Rất nhiều người đã ngã xuống và thậm chí quyền lực của chúng ta bị thách thức. Do đó, chúng tôi mong muốn chúng ta ủng hộ cho quyết tâm này. Thế giới sẽ không chấp nhận những hành vi và những chiến thuật của các kẻ khủng bố hiện nay đang sử dụng. Chúng ta có mặt tại đây để chúng ta cùng nhau thể hiện cam kết”, bà Bronwyn Bishop nhấn mạnh.

Không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia

Cùng ngày, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền thảo luận Dự thảo Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.

Đây là nghị quyết quan trọng được soạn thảo từ IPU 131 và do còn ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua. Kỳ họp này, dự thảo tiếp tục được thảo luận nếu đồng thuận sẽ được thông qua.

Bên hành lang IPU 132, đại diện Đoàn Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông nhấn mạnh: “Luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế, đồng thời phải tương quan, tương thích với vấn đề chủ quyền quốc gia. Không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Về cơ bản dự thảo nghị quyết đã sửa đổi bổ sung dựa trên ý kiến tiếp thu từ các quốc gia tại hội nghị IPU 131. Việt Nam cơ bản nhất trí với những sửa đổi và cho rằng, các nước cần đề cao luật pháp quốc tế, phải có ý thức tôn trọng chủ quyền quốc gia không chỉ vì tranh thủ những lợi thế của mình mà phương hại tới chủ quyền và lợi ích quốc gia khác. Việt Nam hoan nghênh IPU 132 thông qua nghị quyết quan trọng này và hy vọng sau khi được thông qua sẽ được các nước chú ý một cách nghiêm túc và tuân thủ một cách nhất quán”.

Bà Gabriela Moser, thành viên Đảng Xanh của Nghị viện Áo nhìn nhận: “Những định hướng từ IPU sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những nước đang ở trong tình trạng tranh chấp lãnh thổ, để đưa ra hướng giải quyết đúng với luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Còn về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay rất rõ ràng. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Trung Quốc phải hành xử đúng luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này không chỉ tại IPU mà trên nhiều diễn đàn khác nhau, bởi đây là vấn đề của châu Á và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực rất quan trọng. Tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng để gìn giữ hoà bình”.


Nữ nghị sĩ trên toàn cầu chung tay xây dựng thế giới tốt đẹp

Trong khuôn khổ IPU 132, hôm 30/3 đã diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cơ chế Hội nghị Nữ nghị sỹ và 20 năm thực hiện tuyên bố và cương lĩnh hành động Bắc Kinh.

Qua 30 năm hình thành và phát triển, đã chứng kiến sự tham gia ngày càng đông của nữ nghị sĩ tại Đại hội đồng, từ khoảng 10% nữ nghị sĩ trong những năm đầu, lên đến hơn 30% nữ nghị sĩ trong các kỳ họp gần đây, các vấn đề giới được đưa vào chương trình nghị sự nhiều hơn, thường xuyên hơn, thu hút sự quan tâm lớn hơn của các đại biểu.

“Hội nghị nữ nghị sĩ sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm đã được khẳng định trong suốt 30 năm qua và có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn và đóng góp nhiều hơn vào thành công trong mục tiêu chung của IPU, cũng như góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình tiến tới bình đẳng giới thực chất”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Tại lễ kỷ niệm, Hội nghị Nữ nghị sỹ đã ra lời kêu gọi: “Chúng ta biết rằng sức mạnh của sự đoàn kết giữa phụ nữ trên thế giới cũng như sức mạnh của các nghị sĩ tập hợp lại vì một sự nghiệp chung. Nếu bạn là một nghị sĩ, hãy dùng sức mạnh của mình để tạo nên thế giới mà chúng ta mong muốn. Hãy tham gia cũng các nữ nghị sĩ trên toàn cầu để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái”.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

Việt Nam công bố tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028

(Thanh tra) - “Nếu trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028, Việt Nam sẽ thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định.

T.Thanh

12:17 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm