Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

EVN - Lợi ích từ những ứng dụng công nghệ

Thứ năm, 19/12/2019 - 10:52

Với mong muốn nâng cao chất lượng cung cấp điện, hướng tới khách hàng, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tất cả các hoạt động của mình và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.

Nâng cao chất lượng cung cấp điện

Để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cung cấp điện cho khách hàng, phát triển hệ thống điện bền vững, ngay từ thời kỳ thực hiện Quy hoạch điện I (1981-1985), EVN đã đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực truyền tải, phân phối điện và phát triển mạnh mẽ cho đến nay.

Đối với khách hàng sử dụng điện, việc cung cấp điện an toàn liên tục, chất lượng ổn định có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức được điều này, EVN đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý vận hành để nâng cao chất lượng cung cấp điện. Cụ thể, trong lĩnh vực truyền tải, EVN đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để phát triển lưới điện thông minh. Theo đó đã chuyển đổi các trạm biến áp từ có người trực sang không người trực. Cho đến nay đã chuyển được 47 TBA 220 kV sang thao tác xa và 80% các trạm biến áp sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ chuyển ít nhất 60% trạm biến áp 220 kV điều khiển từ xa vận hành theo tiêu chí trạm không người trực.

EVN cũng đã ứng dụng công nghệ, vật liệu mới như sử dụng dây dẫn dây siêu nhiệt, dây dẫn tổn thất thấp; công nghệ vệ sinh cách điện hotline; thử nghiệm sơn phủ cách điện đường dây, trạm biến áp; Sử dụng hệ thống sa thải phụ tải, sa thải nguồn trong quá trình vận hành; sử dụng hệ thống SCADA trong việc thu thập dữ liệu và giám sát; Ứng dụng phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS); ứng dụng hệ thống định vị sự cố để phát hiện nhanh điểm sự cố; ứng dụng thiết bị lọc dầu online. Đồng thời ứng dụng máy bay không người lái (UAV) kiểm tra đường phục vụ công tác quản lý vận hành đường dây truyền tải giúp kiểm tra nhanh, rõ toàn bộ thiết bị, phụ kiện trên cao; hạn chế việc trèo cao của công nhân; hạn chế việc phải di chuyển thủ công đến vị trí, đặc biệt là các vị trí nằm trên đồi núi cao và dọc hành lang. Đặc biệt, một số đơn vị truyền tải còn sáng chế ra thiết bị bay có thể dùng lửa để đốt cháy những vật thể vướng vào đường dây, có nguy cơ gây sự cố ở những vị trí phức tạp.

Đối với lưới điện phân phối, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến như: Hệ thống SCADA/miniSCADA/DMS để giám sát chỉ huy điều độ lưới điện phân phối ở tất cả các Tổng công ty/Công ty điện lực; Áp dụng công nghệ điều khiển tự động trạm biến áp 110 kV trên cơ sở khai thác vận hành chức năng SCADA/EMS/DMS và kết quả đến cuối năm 2017 đã có trên 94% số TBA 110 kV của 5 Tổng công ty Điện lực kết nối tín hiệu SCADA về các Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền.

Các Tổng công ty Điện lực đã đưa vào vận hành 43 trung tâm điều khiển trạm biến áp 110 kV, đã có 286/654 trạm biến áp 110 kV đã thực hiện phương thức quản lý vận hành thao tác từ xa, trong đó số trạm không người trực là 113 trạm; Áp dụng hệ thống tự động đo xa để thu thập và quản lý dữ liệu thông số vận hành các trạm biến áp 110 kV và dữ liệu lưu trữ trong các công tơ điện tử đo đếm ranh giới và các xuất tuyến 110 kV, 35 kV, 22 kV. Tập trung xử lý dữ liệu, lưu trữ trong Trung tâm dữ liệu tập trung, phục vụ cho công tác điều hành cung cấp điện và quản lý vận hành lưới điện.

Hay đến nay cả 5 tổng công ty điện lực đã áp dụng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối DAS (Distribution Automation System) trên lưới trung thế để nhanh chóng phát hiện, cô lập phân đoạn bị sự cố và tự động cấp điện trở lại. Qua đó đem lại hiệu quả nâng cao độ tin cậy, độ ổn định cung cấp điện, giảm lực lượng công nhân vận hành trực tiếp, giảm thiểu tối đa các thao tác bằng tay trong quá trình vận hành; Sử dụng công nghệ quản lý lưới điện trên nền thông tin địa lý - GIS, cập nhật cơ sở dữ liệu của toàn bộ lưới điện cao thế, trung thế và hạ thế. Phát triển các công cụ chức năng trên nền GIS như: Ứng dụng GIS trong khảo sát cấp điện trực tuyến bằng máy tính bảng; ứng dụng GIS trong chăm sóc khách hàng; ứng dụng GIS trong quản lý tổn thất theo khu vực.

Các Tổng công ty Điện lực đều được trang bị các chương trình phân tích tính toán lưới điện như PSS/E (Power System Simulator for Engineering), PSS/ADEPT (Power System Simulator/Advanced Distribution Engineering Productivity Tool) để tính toán tối ưu hóa, nâng cao độ tin cậy lưới điện; Áp dụng rộng rãi công nghệ sửa chữa điện không cắt điện (hotline) giúp giảm thời gian gián đoạn cung ứng điện, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng sử dụng điện về cung cấp điện liên tục, nâng cao các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện.

Các đội, tổ sản xuất trực tiếp vận hành đường dây và trạm biến áp được trang bị sử dụng các phương tiện hiện đại để theo dõi giám sát online từ xa, chẩn đoán tình trạng thiết bị trên lưới, hỗ trợ cảnh báo ngăn ngừa sự cố, dò tìm định vị sự cố như máy đo, phát hiện phóng điện cục bộ, camera soi phát nhiệt, camera quan sát trạm 24/24, camera lưu động...

Đối với việc ứng dụng công nghệ GPS trong công tác khảo sát tuyến các công trình đường dây để tiết kiệm thời gian, nhân lực và nâng cao năng suất lao động cũng như đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn quản lý chất lượng khảo sát xây dựng, cũng như yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ khảo sát, thiết kế và công tác tư vấn xây dựng vốn ngày càng chặt chẽ và khắt khe.

Hướng tới sự hài lòng của khách hàng

Trong bối cảnh công nghệ thông tin, internet, kết nối vạn vật phát triển và thị trường điện cạnh tranh, ngoài nhu cầu được cung cấp điện an toàn liên tục với chất lượng cao thì khách hàng cũng đòi hỏi dịch vụ ngày càng cao hơn. Chính vì vậy, trong những năm qua, EVN đã cung cấp thêm nhiều dịch vụ điện trực tuyến nhằm giảm thời gian, chi phí cho khách hàng với phương châm dễ tiếp cận, kết nối, dễ giám sát.

Theo đó, EVN đã đa dạng hoá các kênh tiếp nhận yêu cầu của khách hàng thông qua Tổng đài; phần mềm dịch vụ trực tuyến trên Website CSKH; email chăm sóc khách hàng; cổng dịch vụ công trực tuyến của các tỉnh…Các trung tâm khách hàng của 5 tổng công ty đã cung cấp dịch vụ qua hình thức Chat Online (Zalo, Facebook, WebChat,...) Đồng thời, nâng cấp ứng dụng (App) CSKH trên các thiết bị điện thoại thông minh; liên kết với các ngân hàng để tạo thuận lợi trong việc thanh toán và thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ.

EVN cũng tập trung triển khai số hoá quản lý hạ tầng lưới điện trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo sự đồng bộ trong quản lý vận hành, tránh mất thời gian cập nhật thông tin nhỏ lẻ. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và mang lại lợi ích cho cộng đồng như biết được tuổi thọ của thiết bị, xử lý nhanh sự cố, giảm sự cố mất điện, hạn chế tổn thất điện năng, giảm thời gian mất điện.

Bên cạnh đó, EVN cũng đẩy mạnh quản lý trực quan thông tin khách hàng trên Google maps. Với chương trình này, địa chỉ khách hàng không chỉ được cập nhật với hình ảnh 3D, với bản đồ đường đi, có tính năng chỉ đường,... mà còn đồng thời hiển thị liên kết với vị trí công tơ, sơ đồ liên kết trạm, lưới điện khu vực... Chương trình còn được tích hợp, khai thác dữ liệu từ phần mềm Hệ thống Quản lý thông tin khách hàng CMIS và kết nối dữ liệu với hệ thống đo ghi chỉ số từ xa RF- Spider. Công nhân điện có thể nắm được thông tin tổng thể: Tên, địa chỉ khách hàng, lịch sử yêu cầu, thói quen sử dụng điện, từ đó, nhanh chóng kiểm tra, phát hiện kịp thời những bất thường về chỉ số công tơ điện của khách hàng. Chương trình được xây dựng với phiên bản website và cả ứng dụng trên thiết bị di động, hỗ trợ rất đắc lực cho công nhân khi thực hiện công việc tại hiện trường và công tác quản lý của đơn vị.

Một trong những hoạt động công nghệ được khách hàng đánh giá cao là việc EVN nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt các công tơ điện tử. Trước đây, đa phần các khách hàng đều lắp công tơ cơ, độ chính xác không cao, khó giám sát, tính toán và thường gây ra nghi ngờ nhân viên ghi chỉ số gian dối sản lượng để tính giá ở mức bậc thang cao hơn gây bức xúc trong dư luận, nhất là vào các dịp thay đổi giá bán lẻ điện.

Để khắc phục tình trạng này, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty/Công ty điện lực triển khai lắp đặt công tơ điện tử và ứng dụng công nghệ đo đếm từ xa như GPRS/3G, PLC, RF-HHU, RF-Mesh… Các công nghệ đo xa này cho phép cập nhật chỉ số công tơ điện một cách tự động, bán tự động thông qua đường truyền internet, GPRS/3G, sóng tần số radio RF, đường dây tải điện. Bên cạnh việc tự động cập nhật chỉ số sử dụng điện của khách hàng, công tơ điện tử còn cảnh báo các bất thường xảy ra đối với công tơ, trạm biến áp... điều này có thể giúp công nhân quản lý vận hành sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục tốt nhất, giảm thiểu thời gian mất điện do sự cố cho khách hàng. Hiện đã có hàng triệu công tơ điện tử lắp đặt cho khách hàng, nhất là ở các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…EVN đang phấn đấu sẽ triển khai mạnh mẽ vào giai đoạn sắp tới phù hợp với Đề án lưới điện thông minh.

Với những nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, EVN đã và đang khẳng định trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế xã hội của đất nước, không chỉ đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn giúp khách hàng được sử dụng điện liên tục, được hưởng các dịch vụ tiện ích, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian với các dịch vụ liên quan đến điện lực.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm