Trường thừa nhận nhưng kêu khó và không có kinh phí

Theo nội dung đơn thư phản ánh, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện Trường THCS Thọ Sơn - bà Đỗ Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng.

Bà Thúy thừa nhận có sự việc nợ tiền thừa giờ chưa trả được cho giáo viên, song lại đưa ra nhiều lý giải cho sự nợ lâu năm này.

Bà cho biết, do nhà trường thiếu giáo viên nên các tổ chuyên môn của trường có phân công các thầy cô giáo viên giỏi, có khả năng dạy kiêm nhiệm thêm môn học để đứng lớp với học sinh, trên tinh thần chia sẻ khó khăn cùng nhà trường và vì các em học sinh.

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, trường đã triển khai ký hợp đồng lao động với các giáo viên không có trong biên chế. Với các hợp đồng này, nhà trường phải tự chủ động cân đối quỹ hoạt động của trường và các khoản ngân sách thu - chi, để bố trí nguồn chi trả được lương và phụ cấp giờ dạy cho giáo viên. Việc tự chủ đã khó, trường lại cũng không có nguồn kinh phí khác để cân đối, vì thế nên đến nay, trường vẫn còn nợ, và chưa trả được tiền dạy thừa giờ của 4 năm học cho các giáo viên trong trường.

Hiệu trưởng cho biết: “Tất cả các trường tại thành phố Việt Trì đều không trường nào trả được như vậy. Trường cũng đang cố gắng tìm các nguồn khác để chi trả theo diện hỗ trợ cho các thầy cô”.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: Việc đứng lớp giảng dạy là thật, kiêm nhiệm thêm lớp, thêm môn, dạy thêm giờ theo yêu cầu nhiệm vụ nhà trường giao cũng là thật, sao lương không được nhận, lại còn nhận theo diện hỗ trợ? Còn cụm từ “cố gắng tìm nguồn kinh phí khác” thì là tìm ở đâu? Và tìm đến bao giờ? Hiệu trưởng đã tìm suốt 4 năm qua chưa thấy, nhưng cũng không có phương án khác. Vậy nếu không tìm được thì quyền lợi của giáo viên ra sao? Và tại sao việc này lại chỉ xảy ra từ khi bà Thúy về làm Hiệu trưởng, trong khi Hiệu trưởng các nhiệm kỳ trước đây theo phản ánh của giáo viên tại trường vẫn trả được cho giáo viên?

Tình trạng chung hay sự thiếu trách nhiệm trong quản lý giáo dục?

Từ thực trạng trên, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Phạm Đức Chiển - Phó phòng Giáo dục & Đào tạo TP Việt Trì.

Ông Chiển cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng UBND TP đã nắm được sự việc và rất chia sẻ với nhà trường. Song đây là tình hình chung, vì không chỉ riêng Trường THCS Thọ Sơn mà các trường học khác trên địa bàn TP cũng đang rơi vào cảnh thiếu giáo viên rất nhiều. Khi thiếu giáo viên thì nhà trường phải đi thuê hợp đồng giáo viên và phải tự cân đối các nguồn hợp pháp khác để trả lương cho những giáo viên mà nhà trường ký hợp đồng.

Trước đây, các trường ký hợp đồng lao động với các giáo viên ngoài biên chế vẫn được Nhà nước hỗ trợ trả lương. Hiện nay cấp tỉnh, cấp huyện không còn chi trả lương cho giáo viên hợp đồng như ngày trước nữa. Do đó, trường chưa cân đối được nguồn, mà TP cũng chưa cấp được nguồn bổ sung cho trường nên khoản nợ tiền thừa giờ chưa trả được cũng là điều dễ hiểu.

Tại sao Phòng Giáo dục và Đào tạo là đơn vị quản lý các trường, khi nắm được thực trạng như vậy lại không có định hướng để tư vấn, hỗ trợ xử lý, giải quyết, lại chỉ biết “chia sẻ”? Điều này không khác nào để các trường phải tự xoay sở với cái thế khó không đường thoát.

Nếu vậy, không chỉ là 4 năm, mà có thể sẽ là 5 năm, 6 năm học nữa, thậm chí là nhiều hơn, không biết đến bao giờ, các giáo viên mới được đảm bảo quyền lợi lao động của chính mình?


Chính Bình