Bà D và chồng là ông N.V.H ly hôn theo Quyết định thuận tình ly hôn số 907 năm 2018 và 2 con ở với mẹ. Tuy nhiên, sau đó ông H lại khởi kiện thay đổi quyền nuôi con.

Tháng 10/2020, TAND quận Tân Bình mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”. Theo đó, bản án sơ thẩm tuyên quyền trực tiếp nuôi con lại thuộc về ông H.

Bà D khẳng định bản án sơ thẩm căn cứ vào chứng cứ giả (vì không được đối chiếu bản chính) để ban hành quyết định nên kháng cáo lên TAND TP HCM xét xử phúc thẩm.

Ngày 17/1, TAND TP HCM triệu tập xét xử phúc thẩm về việc “tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn” vào lúc 14 giờ ngày 16/2/2022. Tuy nhiên, trước ngày mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, vì tình hình sức khỏe, bà D phải cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175, quận Gò Vấp (đây là bệnh viện gần nhà). Bà D đã thông báo việc này cho thư ký tòa.

Đến ngày 16/2, TAND TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm. Luật sư của bà D đã cung cấp cho Hội đồng Xét xử xác nhận của Bệnh viện Quân y 175.

Hội đồng Xét xử sau khi hội ý vẫn quyết định “đình chỉ xét xử phúc thẩm” với lý do “người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng vẫn vắng mặt”.

Bà D cho rằng, việc vắng mặt vì lý do sức khỏe (phải đi viện cấp cứu) là căn cứ có thể sẽ xem xét để hoãn phiên tòa, nhưng chủ tọa, thẩm phán Quách Thanh Bình đã không thực hiện. Hội đồng Xét xử giải quyết bằng cách “đình chỉ xét xử phúc thẩm”, “giữ nguyên bản án sơ thẩm” đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà.

Theo luật sư Trần Văn Trí - Đoàn Luật sư TP HCM, có sai phạm nghiêm trọng đối với quy trình tố tụng cấp phúc thẩm, thẩm phán Quách Thanh Bình ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm là áp dụng luật không đúng.

Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về hoãn phiên tòa phúc thẩm: "Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.

Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa...".

Tuy nhiên, thẩm phán lại không áp dụng điều khoản trên, mà lại áp dụng Điều 312.2 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “triệu tập người kháng cáo hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt”. Trường hợp này không phù hợp với thực tế cũng như quy định pháp luật, vì tại phiên tòa phúc thẩm này, luật sư của bị đơn đã đưa ra chứng cứ giấy của bệnh viện ghi nhận ngày 16/2 bị đơn đang nằm viện (thời điểm cấp cứu bị đơn đã thông báo cho thư ký tòa).

"Con muốn ở với mẹ"

Mới đây, ngày 15/7, Chi cục Thi hành án Dân sự quận Tân Bình đã tới Ban Quản lý chung cư Sài Gòn Airport Plaza (nơi 3 mẹ con bà D ở) thực hiện việc tự nguyện giao cháu trai N.Q.V (13 tuổi) và cháu gái N.N.L.G (9 tuổi) cho ông H (bố) trực tiếp nuôi dưỡng.

Buổi làm việc, ngoài bố, mẹ các cháu cùng 2 chấp hành viên, thư ký, còn có đại diện UBND phường 2, quận Tân Bình, đại diện khu phố chứng kiến.

Tại buổi làm việc này, các chấp hành viên thông báo nội dung "hôm nay, các con về ở với bố theo phán quyết của toà". Tuy nhiên, cháu V, cháu G đều nói "con muốn ở với mẹ".

Ông H tiếp tục thuyết phục 2 con về ở với bố...

Ông H trình bày với chấp hành viên: “Hôm nay, các con chưa đồng ý về ở với bố, nhưng tôi được quyền đón con bất cứ lúc nào và khi nào thuyết phục được các cháu về ở với bố, đề nghị bà D phải giao hai con cho tôi, không được cản trở”.

"Tôi luôn tôn trọng nguyện vọng của hai con, hai con có nguyện vọng như thế nào tôi sẽ đồng ý", bà D nêu ý kiến.

Đại diện khu phố chứng kiến buổi làm việc, bà Lưu Thị Phương Khuê cho biết, bé gái khóc rất nhiều, chỉ muốn ở với mẹ, bé trai 13 tuổi chững chạc hơn nhưng cũng nói chỉ muốn ở với mẹ. “Tôi cũng khuyên anh H, nếu bọn trẻ không theo bố, thích ở với mẹ thì thôi, ở với mẹ lâu rồi, quen nếp rồi, như thế này rất ảnh hưởng tâm lý các con, các cháu còn học hành nữa...”. Bà Khuê cũng cho biết việc học hành, thể lực của các cháu hiện nay đang tốt.

Kết thúc buổi làm việc, cháu V và cháu G vẫn được ở lại với mẹ.

leftcenterrightdel
 Một phần biên bản ngày 15/7/2022 về việc giao con của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Tân Bình. Ảnh: NL

Điều 84, Luật Hôn nhân gia đình 2014 nêu cụ thể việc căn cứ để thay đổi quyền nuôi con: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

“Thực tế hiện nay, tôi có đủ các điều kiện đảm bảo cả về kinh tế lẫn tinh thần đáp ứng cho yêu cầu phát triển bình thường cho các con, và quan trọng nhất là 2 cháu đều muốn được ở với mẹ”, bà D nêu trong đơn và cho rằng: “Việc tòa chỉ dựa vào một văn bản (nội dung thay đổi quyền nuôi con) giả, không xem xét thực tế để ra quyết định tước đoạt quyền nuôi con của tôi là hết sức vô lý. Tòa tuyên giao lại con cho bố, trong khi các con lại muốn ở với mẹ là không đúng với lương tâm, không đúng với sự thật”.

“Hiện tại, hai con đều có nguyện vọng được ở với mẹ, nhưng tòa các cấp đều buộc con tôi về ở với bố. Hiện nay, ở với tôi, cuộc sống mọi mặt của các cháu đều rất tốt. Kính đề nghị Tòa Cấp cao tại TP HCM có phán quyết  phù hợp với quy định, để các con tôi không tiếp tục bị tổn thương tâm lý”, bà D cho biết.

Cũng theo bà D, từ khi ly hôn đến nay đã 4 năm, suốt thời gian này, ông H không thực hiện đúng nghĩa vụ chu cấp (từ tài chính đến vật chất) cho hai con theo đúng quyết định của TAND quận 12.

Nghiêm Lan